Forms Of Labor Discipline
Trong quan hệ lao động, dù là xét ở góc độ pháp lý hay quản lý, kỷ luật lao động là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự vận hành, hoạt động của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… Với điều kiện sản xuất ngày càng phát triển, hoạt động kinh doanh càng thêm đa dạng và mở rộng, kỷ luật lao động cũng vì thế mà ngày một trở nên quan trọng hơn. Hiện nay, theo quy định pháp luật có bao nhiêu hình thức xử lý tranh chấp kỷ luật lao động?
Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ phân tích về vấn đề theo quy định của pháp luật hiện hành (Bộ luật Lao động 2012) và đưa ra so sánh với Bộ Luật Lao động 2019.
Kỷ luật lao động là gì?
Theo Điều 118 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động“. Như vậy, để có kỷ luật lao động, trước hết cần phải có những quy định về thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động.
Bộ luật Lao động 2019 (hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn đối với khái niệm này. Theo đó, kỷ luật lao động phải là những quy định về việc tuân thủ thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định. Do đó, kỷ luật lao động được ban hành dựa trên sự kết hợp của nội quy lao động và pháp luật.
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
Điều 125 của Bộ luật Lao động 2012 liệt kê ra các hình thức xử lý kỷ luật lao động dựa trên mức độ vi phạm, cụ thể bao gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức hoặc sa thải. Trong đó, các hình thức xử lý kỷ luật này như sau:
Khiển trách
Áp dụng đối với những người phạm lỗi lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ. Việc khiển trách có thể được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản.
Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc cách chức
Hình thức này áp dụng đối với người lao động đã bị khiển trách bằng văn bản mà vẫn tái phạm trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bị khiển trách hoặc có những hành vi vi phạm đã được quy định trong nội quy lao động.
Sa thải
Là hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhất và chỉ được áp dụng trong các trường hợp tại Điều 126 Bộ luật này:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Thay đổi của Bộ luật lao động 2019 so với Bộ luật 2012
Bộ luật lao động 2019 không có thay đổi nhiều so với Bộ luật 2012, tuy nhiên, vẫn có thể liệt kê một số điểm mới tại Điều 124 và Điều 125 như sau:
- Hình thức cách chức đã được tách riêng thành một khoản độc lập trong Điều 124, do đó, có 4 hình thức kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2019.
- Về hình thức xử lý kỷ luật sa thải, Bộ luật mới bổ sung thêm trường hợp, theo đó việc người lao động quấy rồi tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động cũng là một trong các căn cứ để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Trên đây là các quy định pháp luật về kỷ luật lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời về các thông tin khác như: Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tranh chấp kỷ luật lao động, tranh chấp tiền lương, tranh chấp về bảo hiểm, tranh chấp điều chuyển công tác, tranh chấp về việc cách chức… hoặc thông tin về Luật sư tư vấn lao động giỏi, Luật sư tư vấn tiền lương, Luật sư tư vấn bảo hiểm…
Maybe You’re interested in:
Tư Vấn Tranh Chấp Lao Động – Khởi Kiện Công Ty Sa Thải Sai Luật