chuyen-nhuong-co-phan-doanh-nghiep

Chuyển Nhượng Cổ Phần Và Những Điều Cần Lưu Ý Khi Xảy Ra Tranh Chấp Cổ Phần

Hiện nay, hình thức công ty cổ phần ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc chuyển nhượng cổ phần diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và cũng có không ít tranh chấp phát sinh. Trong bài viết này, Lac Duy & Associates một số lưu ý về chuyển nhượng và các tranh chấp có thể phát sinh để bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

chuyennhuongcophan

1. Chuyển nhượng cổ phần là gì?

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành vẫn chưa đưa ra định nghĩa thế nào là chuyển nhượng cổ phần.

Tuy nhiên, thông qua những quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (“Luật Doanh Nghiệp 2020”) và các văn bản hướng dẫn thi hành về vấn đề chuyển nhượng, có thể hiểu rằng: Chuyển nhượng cổ phần là việc bên nắm giữ cổ phần trong công ty cổ phần thực hiện các hành vi làm thay đổi (mua bán, biếu tặng, thừa kế…) số lượng cổ phần đang nắm giữ cho bên còn lại, và bên còn lại là các tổ chức, cá nhân hoặc cổ đông trong chính công ty cổ phần đó.

2. Các trường hợp hạn chế và một số lưu ý khi chuyển nhượng theo Luật Doanh nghiệp 2020

a. Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần:

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định như sau: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Khi dẫn chiếu đến Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh Nghiệp 2020 có quy định như sau: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng đó”. Đây là trường hợp hạn chế chuyển nhượng đầu tiên theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2020 .

Khi dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh Nghiệp 2020 có quy định như sau: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”. Như vậy, trong trường hợp thứ hai, cổ phần phổ thông sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Có thể bạn quan tâm: Mẫu đơn kiện tranh chấp cổ đông mới nhất

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh Nghiệp 2020 có quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế”. Như vậy, cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng là các cổ phần không được chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.  

b. Một số lưu ý khi tiến hành chuyển nhượng:

Khi tiến hành chuyển nhượng, các bên tham gia giao dịch chuyển nhượng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Việc chuyển nhượng phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; tuân thủ các quy định về hạn chế chuyển nhượng như đã nêu ở Mục 2(i) (nếu có);
  • Các bên liên quan trong hoạt động chuyển nhượng phải ký, đóng dấu đầy đủ vào các giấy tờ liên quan; Việc chuyển nhượng phải được thể hiện bằng hợp đồng chuyển nhượng và được thanh lý bằng biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
  • Hoạt động chuyển nhượng phải được thông qua tại cuộc hợp Đại hội đồng cổ đông công ty và được thể hiện trong Biên bản và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông nếu thuộc trường hợp được quy định trong Điều lệ công ty;
  • Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty;
  • Hoạt động chuyển nhượng được hoàn thành khi công ty hoàn tất thủ tục thông báo chuyển nhượng và thay đổi cổ đông công ty đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Các nguy cơ phát sinh tranh chấp khi chuyển và giải pháp phòng ngừa 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định rõ về việc thủ tục chuyển nhượng cổ phần có cần được công ty xác nhận hay không nên rất dễ phát sinh tranh chấp khi chuyển nhượng hay mua bán cổ phần, ví dụ như:

  • Sau khi nhận được tiền vì một lý do nào đấy mà Phòng đăng ký kinh doanh không chấp nhận hồ sơ thay đổi thành viên của Doanh nghiệp đưa lên hoặc trả lại yêu cầu sửa đổi bổ sung mà lúc đó thành viên chuyển nhượng (người bán) lại không hợp tác để bổ sung các giấy tờ thủ tục thì hậu quả nhà đầu tư sẽ vướng vào tình huống tiến thoái lưỡng nan đó là tiếp tục thì vướng vào thủ tục mà rút lui thì không biết đến bao giờ người bán sẽ trả lại tiền cho mình;
  • Hai bên đã tiến hành xong việc chuyển nhượng nhưng công ty lại không hợp tác để làm thủ tục lên Phòng ĐKKD thay đổi thành viên cho nhà đầu tư. Trường hợp này nhà đầu tư chỉ còn cách khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa án buộc công ty phải làm thủ tục chuyển tên cho nhà đầu tư, nhanh thì mất 6 tháng, lâu thì đến cả năm mới giải quyết xong hoặc rút lui hủy hợp đồng lấy lại tiền.

Do đó, để đảm bảo tính an toàn, hai bên nên có mục xác nhận việc chuyển nhượng giữa các bên với nhau. Ngoài ra, trong hợp đồng, các bên phải quy định cụ thể, chặt chẽ về điều khoản thanh toán, phương thức và điều kiện thanh toán.

Trên đây là một số lưu ý về tranh chấp phát sinh từ chuyển nhượng cổ phần phù hợp với những quy định mới của pháp luật Việt Nam trong năm 2021. Trường hợp còn bất kỳ vấn đề nào còn thắc mắc hay cần được tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ kịp thời tại:

– SĐT: + 84 (28) 3622 1603

– Email: info@lacduy-associates.com hoặc lacduy@lacduy-associates.com

Trân trọng.

Rate this post