Mẫu Quyết Định Giảm Lương 2023
Theo nguyên tắc trả lương tại Điều 94 Bộ luật lao động 2019, Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động.
Quyết định giảm lương tuy nhiên, trong tình trạng đối mặt với khó khăn về tài chính, Người sử dụng lao động có thể cắt giảm chi phí tiền lương của Người lao động theo đúng quy định pháp luật trong 02 (hai) trường hợp sau đây:
Trường hợp 1. Thỏa thuận sửa đổi nội dung tiền lương trong hợp đồng lao động
Khoản 1 Điều 95 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”.
Điều 33 Bộ luật lao động 2019 quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
“1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.
Hợp đồng lao động được tạo lập và ký kết dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Xuất phát từ sự thỏa thuận đó, pháp luật vẫn cho phép các bên được sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Như vậy, nếu muốn giảm tiền lương của Người lao động, Người sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 03 (ba) ngày cho Người lao động biết. Nếu Người lao động đồng ý chịu chia sẻ khó khăn bằng cách giảm lương thì các bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng mới để điều chỉnh mức tiền lương.
Tuy nhiên, trường hợp Người lao động không đồng ý việc giảm lương thì Người sử dụng lao động vẫn phải trả lương cho Người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký, chứ không được tự ý giảm lương của Người lao động.
Trường hợp 2. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật lao động 2019, khi gặp khó khăn đột xuất do dịch bệnh nguy hiểm, Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển Người lao động làm công việc khác so với Hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thời gian điều chuyển Người lao động phải đảm bảo:
- Không quá 60 ngày cộng dồn/01 năm.
- Quá 60 ngày cộng dồn/01 năm: Phải được người lao động đồng ý bằng văn bản.
Cùng với đó, theo quy định tại khoản 2 điều này, khi tạm thời chuyển Người lao động làm công việc khác so với Hợp đồng lao động, Người sử dụng lao động phải báo cho Người lao động biết trước ít nhất 03 (ba) ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của Người lao động.
Khi được chuyển sang làm công việc khác, Người lao động sẽ được trả lương theo công việc mới. Công việc mới này được phép trả lương thấp hơn so với công việc cũ nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật lao động 2019, cụ thể như sau:
- Giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
- Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, trường hợp này chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn còn nếu muốn lâu dài thì vẫn phải cần có sự chấp thuận bằng văn bản từ phía người lao động. Sau khi có được sự chấp thuận này thì Người sử dụng lao động có thể tiến hành ra Quyết định luân chuyển công tác kèm theo Quyết định giảm lương hoặc có thể đề cập đến việc giảm lương thành 01 điều riêng biệt trong Quyết định luân chuyển công tác. Lac Duy & Associates xin gửi đến Quý bạn đọc mẫu Quyết định giảm lương mới nhất năm 2022, bao gồm những nội dung chính sau:
- Thông tin tổ chức ra quyết định;
- Thông tin người bị giảm lương;
- Lý do giảm lương.
Mẫu Quyết Định Giảm Lương
CÔNG TY: …… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- |
Số: … / QĐ – … | ……., ngày……tháng……năm…… |
QUYẾT ĐỊNH GIẢM LƯƠNG
GIÁM ĐỐC CÔNG TY………
– Căn cứ vào Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019;
– Căn cứ vào quy chế lương thưởng và Điều lệ hoạt động của Công ty;
– Căn cứ vào Nội quy lao động của Công ty và Hợp đồng lao động đã ký kết giữa Công ty và toàn thể người lao động;
– Căn cứ vào sự chấp thuận của Ông/Bà………………… về việc …………………;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng của quyết định
Ông/Bà:……………………………………………………………………………….
Sinh ngày: ……………….Giới tính:…………….……Quốc tịch:…………………..
Chức vụ:………………………………….. Bộ phận:………………………………..
Điều 2. Nội dung quyết định
Lý do xét giảm: …………………………………………………..…………………..
– Mức lương cũ: …………………………………………………….…………………
– Kể từ ngày … tháng … năm … , mức lương chính của Ông/Bà …….. sẽ là:………
Điều 3. Điều khoản thi hành
Bộ phận Phòng Tài chính Kế toán, Phòng Nhân sự , bộ phận phòng ban có liên quan, và Ông/Bà:……………………………………………chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | Tổng giám đốc |
– Như Điều 1; – Lưu HCNS; – Lưu VP./. | (Ký và ghi rõ họ tên) |
Trên đây là thông tin về các trường hợp Người sử dụng lao động được quyền giảm lương của Người lao động và mẫu Quyết định giảm lương phù hợp với những quy định mới của pháp luật Việt Nam trong năm 2023. Trường hợp cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ kịp thời.