Tranh Chấp Tàu Biển Và Các Loại Tranh Chấp Cơ Bản Trong Ngành Hàng Hải
Tranh chấp tàu biển:
Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế và hội nhập quốc tế thì việc giao thương, vận chuyển hàng hóa bằng con đường hàng hải đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc tàu hàng phải di chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề pháp lý tranh chấp tàu biển.
Có nhiều trường hợp không may xảy ra như tàu bị đắm, bị va chạm… dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cũng như gây thiệt hại đến hàng hóa giao dịch và thương nhân. Thuê tàu vận chuyển hàng hoá dần trở thành cụm từ quen thuộc đối với bất kì doanh nghiệp hay tổ chức xuất nhập khẩu.
Có rất nhiều tranh chấp và vụ kiện phát sinh trong quá trình thuê tàu, ký kết giữa người chuyên chở và hãng tàu, giữa người mua và chủ tàu… Bài viết này Lac Duy & Associates sẽ trình bày cho bạn đọc thấy rõ hơn về vấn đề tranh chấp tàu biển và các hình thức tranh chấp tàu biển trong ngành hàng hải.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Bộ Luật Hàng hải năm 2015 quy định: “Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển” và “Tranh chấp hàng hải là các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải.”
Việc phân loại tranh chấp hàng hải dựa trên các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có ba cách phân loại chủ yếu:
- Căn cứ vào yếu tố hợp đồng của tranh chấp hàng hải có thể phân thành hai loại:
+ Tranh chấp trong hợp đồng là hiện tượng phát sinh khi có sự vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các bên, cơ sở phát sinh tranh chấp là sự vi phạm về quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong hợp đồng. Ví dụ như tranh chấp giữa người mua và người bán trong hợp đồng mua bán tàu biển hoặc tranh chấp giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa…
+ Tranh chấp ngoài hợp đồng phát sinh giữa các bên không tham gia ký kết hợp đồng hoặc giữa một trong hai bên ký hợp đồng với một bên thứ ba không ký hợp đồng. Trong trường hợp này, hợp đồng không phải là căn cứ để quy trách nhiệm cho người vi phạm.
Để xác định trách nhiệm của bên vi phạm, căn cứ vào hành vi vi phạm của bên gây thiệt hại, mức độ thiệt hại xảy ra, yếu tố lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, các sự kiện bất khả kháng (nếu có)… Chẳng hạng tranh chấp về bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do ôi nhiễm dầu từ tàu biển…
– Căn cứ vào nhân tố nước ngoài trong tranh chấp hàng hải có thể chia thành tranh chấp hàng hải có yếu tố nước ngoài và tranh chấp hàng hải không có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, dựa trên nội dung các khiếu nại hàng hải, tranh chấp hàng hải có thể chia thành các tranh chấp về tổn thất thiệt hại đối với người, tài sản hàng hóa, tàu biển; tranh chấp về hoạt động cứu hộ, tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hành khách, tranh chấp về hợp đồng thuê tàu, tranh chấp về hợp đồng mua bán tàu biển, tranh chấp về tổn thất chung, tranh chấp về lai dắt tàu biển, tranh chấp về hoa tiêu hàng hải, tranh chấp về tiền lương thuyền viên, thuyền trưởng, tranh chấp về phí bảo hiểm, về quyền sở hữu hoặc chiếm hữu tàu biển…
Mã Download: 7248