tranh-chap-bat-giu-tau-bien

Quy Trình Bắt Giữ Tàu Biển Như Thế Nào Là Đúng Luật

Hiện nay, việc giao thương bằng đường biển ngày càng phát triển, nên phát sinh rất nhiều yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại hàng hóa hoặc giải quyết các tranh chấp như:

Tranh chấp dân sự liên quan tàu biển, tranh chấp bắt giữ tàu biểntranh chấp bồi thường thiệt hại do bắt giữ tàu biển, tranh chấp vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, tranh chấp hợp đồng thuê tàu hoặc tranh chấp hợp đồng đóng tàu… Lac Duy & Associates  tổng hợp quy trình bắt giữ tàu biển để các chủ thể yêu cầu bắt giữ tàu biển cần nắm rõ quy trình này nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. 

Việc bắt giữ tàu biển được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi tắt là BLTTDS) và Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh).

quytrinhbatgiutaubien

1. Về thẩm quyền bắt giữ tàu biển: 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37, Điều 421 của BLTTDS 2015 thì yêu cầu bắt giữ tàu biển thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải

Điều 421. Thẩm quyền của Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển.

Trường hợp cảng có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó.

2. Các trường hợp được yêu cầu bắt giữ tàu biển:

  • Để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải;
  • Để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Để thi hành án dân sự;
  • Để thực hiện tương trợ tư pháp.

Trong các trường hợp nêu trên, yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải thường xuyên xảy ra và có nhiều vướng mắc nhất. Do đó, bài viết tập trung vào quy trình yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải

3. Quy trình bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải

Bước 1: Phải có khiếu nại hàng hải làm phát sinh yêu cầu bắt giữ tàu biển. Các khiếu nại hàng hải được quy định tại Điều 11 Pháp lệnh, gồm:

  1. Tiền lương, chi phí hồi hương, chi phí đóng bảo hiểm xã hội và các khoản tiền khác phải cho thuyền thưởng, sỹ quan và các thuyền viên khác trong thuyền bộ của tàu biển;
  2. Tiền bồi thường tính mạng, thương tích và tổn hại khác về sức khỏe con người liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển;
  3. Phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải, phí hoa tiêu, phí cầu cảng, các loại phí, lệ phí cảng biển khác;
  4. Tiền công cứu hộ tàu biển;
  5. Tổn thất và thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển;
  6. Thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại do tàu biển gây ra cho môi trường, bờ biển hoặc các lợi ích liên quan; các biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa, hạn chế hoặc loại bỏ thiệt hại này; tiền bồi thường cho thiệt hại đó; chi phí cho các biện pháp hợp lý thực tế đã được áp dụng hoặc sẽ được áp dụng để khôi phục lại môi trường; tổn thất đã xảy ra hoặc có thể xảy ra đối với bên thứ ba liên quan đến thiệt hại đó; thiệt hại, chi phí hoặc tổn thất tương tự quy định tại khoản này;
  7. Chi phí liên quan đến việc nâng, di chuyển, trục vớt, phá hủy hoặc làm vô hại xác tàu biển bị chìm đắm, mắc cạn hoặc bị từ bỏ, trong đó bao gồm bất kỳ đồ vật đang có hoặc đã có trên tàu biển và các chi phí hoặc phí tổn liên quan đến việc bảo quản tàu biển đã bị từ bỏ và chi phí cho thuyền viên của tàu biển;
  8. Thỏa thuận liên quan đến việc sử dụng hoặc thuê tàu biển, mặc dù được quy định trong hợp đồng thuê tàu hay bằng hình thức khác;
  9. Thỏa thuận liên quan đến vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách trên tàu biển, mặc dù có quy định trong hợp đồng thuê tàu hoặc bằng hình thức khác;
  10. Tổn thất hoặc thiệt hại liên quan đến hàng hóa, bao gồm cả hành lý được vận chuyển trên tàu biển;
  11. Tổn thất chung;
  12. Lai dắt tàu biển;
  13. Sử dụng hoa tiêu hàng hải;
  14. Hàng hóa, vật liệu, thực phẩm, nhiên liệu, thiết bị (kể cả công – te – nơ) được cung ứng hoặc dịch vụ cung cấp cho mục đích hoạt động, quản lý, bảo quản và bảo dưỡng tàu biển;
  15. Đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa hoặc trang bị cho tàu biển;
  16. Khoản tiền thanh toán được thực hiện thay mặt chủ tàu;
  17. Phí bảo hiểm do chủ tàu hoặc người nhân danh chủ tàu hoặc người thuê tàu trần trả;
  18. Khoản hoa hồng, chi phí môi giới hoặc chi phí đại lý liên quan đến tàu biển mà chủ tàu, người thuê tàu trần hoặc người được ủy quyền phải trả;
  19. Tranh chấp về quyền sở hữu tàu biển;
  20. Tranh chấp giữa các đồng sở hữu tàu biển về sử dụng tàu biển hoặc khoản thu nhập được từ tàu biển;
  21. Thế chấp tàu biển;
  22. Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán tàu biển.

Bước 2: Chứng minh có tổn thất thực tế xảy ra. Tùy từng thiệt hại, tổn thất thực tế mà người yêu cầu bắt giữ tàu biển có các cách chứng minh khác nhau. 

Bước 3: Nộp đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu phải có các nội dung:

  1. Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;
  2. Tên Tòa án nhận đơn yêu cầu;
  3. Tên, địa chỉ và quốc tịch của người yêu cầu bắt giữ tàu biển;
  4. Tên, quốc tịch, số chứng minh tàu biển theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (số IMO), trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển bị yêu cầu bắt giữ; bến cảng nơi tàu biển đang hoạt động hàng hải;
  5. Tên, địa chỉ và quốc tịch của thuyền trưởng;
  6. Tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ tàu;
  7. Tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu hoặc người khai thác tàu, trong trường hợp yêu cầu người thuê tàu, người khai thác tàu trả tiền;
  8. Khiếu nại hàng hải cụ thể làm phát sinh quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển và giá trị tối đa của khiếu nại hàng hải đó;
  9. Dự kiến tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do yêu cầu bắt giữ tàu biển.

4. Quá trình xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển tại Tòa án

Ngay sau khi nhận đơn, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn và Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết đơn;

  • Thụ lý đơn yêu cầu: Nếu xét thấy có đủ điều kiện để ra quyết định bắt giữ tàu biển, yêu cầu người nộp đơn thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển và lệ phí bắt giữ tàu biển;
  • Biện pháp bảo đảm tài chính được thực hiện theo quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm của Tòa án. Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ thì tài sản bảo đảm được tạm gửi giữ tại Tòa án; Tòa án chỉ nhận khoản tiền hoặc giấy tờ có giá và tiến hành niêm phong, bảo quản. Vào ngày làm việc tiếp theo, người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải gửi ngay tài sản đó vào ngân hàng dưới sự giám sát của Tòa án.
  • Trả đơn yêu cầu: Nếu xét thấy không đủ điều kiện ra quyết định bắt giữ tàu biển hoặc việc giải quyết đơn không thuộc thẩm quyền của Tòa án đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải, người yêu cầu có quyền khiếu nại bằng văn bản với Chánh án Tòa án đối với quyết định đó.
  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản khiếu nại trên và các tài liệu chứng cứ kèm theo, Chánh án phải ra một trong các quyết định: Giữ nguyên quyết định trả lại đơn yêu cầu hoặc hủy quyết định trả lại đơn yêu cầu và nhận lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo đề tiến hành thụ lý đơn yêu cầu.
  • Thẩm phán ra ngay quyết định bắt giữ tàu biển khi người yêu cầu bắt giữ tàu biển xuất trình biên lai, chứng cứ chứng minh họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển và đã nộp lệ phí theo quy định.

Lưu ý: Trách nhiệm do yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng

  1. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng mà gây thiệt hại thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải bồi thường thiệt hại.
  1. Mọi thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng do các bên tự thoả thuận giải quyết. Trong trường hợp không thoả thuận được và có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật.
  1. Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển không đúng với lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc không đúng tàu biển có yêu cầu bắt giữ mà gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ quá trình bắt giữ tàu biển mà Lac Duy & Associates đã tổng hợp. Trường hợp, bạn đọc có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ về:

Tranh chấp tàu biển, tranh chấp bắt giữ tàu, tranh chấp giải phóng tàu, tranh chấp vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, tranh chấp hợp đồng thuê tàu, tranh chấp hợp đồng đóng tàu… có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được tư vấn kịp thời.

Tranh Chấp Dân Sự Và Các Phương Thức Giải Quyết Tranh Chấp Dân Sự

Rate this post