Tranh Chấp Quyền Nuôi Con Và Các Độ Tuổi Của Con Cần Lưu Ý
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bên cạnh những vấn đề vướng mắc về tranh chấp nhà đất, tài sản chung và nợ chung, tranh chấp quyền nuôi con là một trong những vấn đề lớn của không ít cuộc ly hôn. Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn và các độ tuổi của con cần lưu ý khi tranh chấp quyền nuôi con.
Theo quy định tại Điều 81.1 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn. Ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung thì do các bên thỏa thuận và thỏa thuận này được Tòa án ghi nhận trong Bản án. Trong trường hợp cha mẹ đều muốn giành quyền nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì khi đó, việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn phụ thuộc và độ tuổi của con và điều kiện, khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con của người vợ hoặc người chồng. Cụ thể như sau:
Quyền nuôi con khi con dưới 36 tháng tuổi[1]
Tòa án sẽ ưu tiên cho người vợ nuôi con vì độ tuổi này của đứa trẻ cần nhất là sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ người mẹ để có thể phát triển tốt nhất.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người vợ không có thu nhập, không có đủ tài chính, không có thời gian chăm sóc con hoặc người vợ không quan tâm, chăm sóc con thì người chồng cần chứng minh mình có điều kiện nuôi dưỡng con tốt hơn người vợ. Tòa án sẽ xem xét giao con cho người chồng nuôi dưỡng, chăm sóc khi ly hôn.
Tranh chấp quyền nuôi con khi con từ 7 tuổi trở lên[2]
Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con và sẽ ưu tiên cho người mà con muốn ở cùng để nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Mặc dù tôn trọng nguyện vọng của con nhưng Tòa án cũng cần xem xét điều kiện của vợ chồng để giao con cho người có đủ điều kiện, đủ khả năng để nuôi dưỡng con một cách tốt nhất.
Con ở độ tuổi từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi
Trong trường hợp này, để có được quyền nuôi con, cha mẹ phải chứng minh mình có điều kiện, khả năng tốt hơn đối phương để đảm bảo sự phát triển của con về mọi mặt như:
- Điều kiện kinh tế: Chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định;
- Điều kiện tinh thần: Chứng minh bản thân có đủ thời gian cho con, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và ưu tiên việc chăm sóc con cái lên hàng đầu.
Ngoài ra, một trong các bên có thể cung cấp thêm chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất, tinh thần, đạo đức và nhân phẩm để nuôi dạy con hoặc thường xuyên có hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của con cái.
Trên đây là những thông tin cần thiết về về việc tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn và các độ tuổi của con cần lưu ý khi tranh chấp quyền nuôi con. Trường hợp, cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
[1] Điều 81.3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[2] Điều 81.2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014