hop-dong-thiet-ke-thi-cong-xay-dung

Tổng Quan Về Hợp Đồng Thiết Kế Thi Công Xây Dựng

Hợp đồng thiết kế thi công xây dựng: Việt Nam là đất nước đang phát triển, tính đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là trên 2700USD/1 người/1 năm và được tổ chức Ngân hàng thế giới công nhận Việt Nam là đất nước có nhiều công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở. Trong năm 2020, với đại dịch COVID 19, các dự án, công trình xây dựng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn như, chậm tiến độ thi công, việc thanh toán cũng có thể bị chậm trễ bởi những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Trong khi đó, các hợp đồng thiết kế, thi công xây dựng thường có giá trị lớn.

Vì vậy, phòng ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng thiết kế, xây dựng cần phải có sự đồng hành của các luật sư và chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sự kinh nghiệm và hiểu biết của luật sư và chuyên gia pháp lý của Lac Duy & Associates sẽ giúp cho các bên tranh chấp

1. Hiểu biết về các quy định pháp luật sửa đổi bổ sung liên quan đến các dự án, công trình thiết kế thi công xây dựng như:

  • Hợp đồng dự án được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
  • Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định;
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác;
  • Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án;
  • Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định;
  • Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng được quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
  • Hợp đồng khác theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

2. Phòng ngừa rủi ro tranh chấp trong việc soạn thảo các hợp đồng thiết kế thi công xây dựng:

2.1. Rủi ro về chủ thể ký kết

  • Thực trạng:
    • Người ký không có thẩm quyền ký (không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người ký không được ủy quyền).
    • Người ký vượt quá phạm vi được ủy quyền.
  • Phòng ngừa
    • Kiểm tra trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh đối với trường hợp chủ thể tham gia giao dịch là pháp nhân để kiểm tra người có quyền ký kết hợp đồng và tình trạng pháp lý của pháp nhân.
    • Yêu cầu cung cấp Văn bản ủy quyền cùng các giấy tờ chứng minh nhân thân (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân…) khi giao dịch.
    • Kiểm tra kĩ điều kiện ủy quyền, phạm vi ủy quyền trong giấy ủy quyền.

2.2. Rủi ro về đối tượng của hợp đồng

  • Thực trạng
    • Tranh chấp về phạm vi công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng;
    • Tranh chấp về yêu cầu kỹ thuật trong các hợp đồng thi công, xây dựng;.
    • Tranh chấp về thời gian, tiến độ thực hiện.
    • Khi soạn thảo hợp đồng hai bên không quy định cụ thể và chi tiết dẫn đến hiểu lầm hoặc do một bên lợi dụng sơ hở để không thực hiện nghĩa vụ.
  • Phòng ngừa:
    • Cần thể hiện cụ thể và chi tiết các điều khoản quy định về đối tượng của hợp đồng. Đặc biệt, khi soạn thảo, còn có thể lập riêng phần phụ lục để làm rõ phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, số lượng, chất lượng, thời gian, tiến độ thực hiện… để tránh xảy ra tranh chấp về sau.

2.3. Rủi ro về nghiệm thu và bàn giao

  • Thực trạng
    • Tranh chấp về điều kiện chuyển giao, thời gian chuyển giao;
    • Tranh chấp về chất lượng chuyển giao;
    • Tranh chấp về bảo dưỡng, sửa chữa hư hại (nếu có).
  • Phòng ngừa:
    • Các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về điều kiện kỹ thuật, chất lượng công trình, tình trạng hoạt động khi chuyển giao. Các nội dung về nghĩa vụ của các bên trong việc bảo dưỡng, sửa chữa hư hại để duy trì hoạt động của công trình sau chuyển giao cũng cần được ghi rõ nhằm đảm bảo đạt được mục đích của hợp đồng và trách những tranh chấp có thể phát sinh.

2.4. Rủi ro về giá cả, phương thức thanh toán:

  • Thực trạng:
    • Rủi ro về giá khi thị trường biến động;;
    • Tranh chấp về chi phí vận chuyển;
    • Rủi ro về phương thức thanh toán;
    • Tranh chấp về thời hạn thanh toán và nghĩa vụ thanh toán.
  • Phòng ngừa:
    • Cần đưa ra các điều khoản chi tiết, cụ thể, linh hoạt: có thể thanh toán thành một hay nhiều đợt, phương phức thanh toán là bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, thời hạn, điều kiện và nghĩa vụ thanh toán cũng cần được làm rõ để hạn chế sự trốn tránh nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

2.5. Rủi ro về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thiết kế thi công, xây dựng:

  • Thực trạng
    • Theo Điều 301 của Luật Thương mại thì quyền thoả thuận về mức phạt vi phạm của các bên bị hạn chế, cụ thể: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật Thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu các bên thoả thuận mức phạt lớn hơn (ví dụ 12%) thì phần vượt quá (4%) được coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu.
    • Theo quy định tại Bộ luật Dân sự nếu chậm thanh toán các bên có thể thỏa thuận mức phạt nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản.
    • Mức lãi chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
  • Phòng ngừa:
    • Đây là điều khoản thông thường, có thể được đưa vào hoặc không trong hợp đồng vì đã được pháp luật quy định. Trong trường hợp quy định trong hợp đồng, cần lưu ý thỏa thuận mức phạt vi phạm phù hợp với quy định của pháp luật.

2.6. Rủi ro liên quan đến điều khoản quy định về sự kiện bất khả kháng

  • Thực trạng:
    • Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
    • Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 302 BLDS 2015).
    • Căn cứ theo Điều 294 Luật Thương mại 2005 thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.
    • Như vậy, giá trị quan trọng nhất của việc soạn thảo điều khoản về bất khả kháng chính là giúp cho các bên lường trước được các trường hợp miễn trách nhiệm nếu vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khi điều kiện bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
  • Phòng ngừa:
    • Khi soạn thảo hợp đồng cần có thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng. Bất khả kháng có thể do hiện tượng thiên nhiên: Lũ, lụt, hỏa hoạn, động đất, sóng thần. Bất khả kháng có thể do hiện tượng xã hội: Chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi của chính phủ hoặc có thể đưa ra các sự kiện chính bản thân mình như: Mất điện, hỏng máy…bên cung cấp vật tư, thiết bị chậm trễ giao hàng là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm.

3. Soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp phù hợp với điều kiện tài chính và hoàn cảnh thực tế của các bên:

Khi bắt đầu các giao dịch thương mại, các bên thường kỳ vọng giao dịch được thực hiện thuận lợi và không có tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, các bên cần phải thỏa thuận trước về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và các điều khoản có liên quan để đề phòng, việc tranh chấp phát sinh, các bên không thể giao tiếp được với nhau.

3.1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thiết kế thi công, xây dựng thông qua trọng tại thương mại

  • Ưu điểm:
    • Thủ tục thường nhanh chóng, linh hoạt, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết;
    • Không trải qua nhiều cấp xét xử, tiết kiệm phần nào thời gian và tiền bạc cho các bên.
    • Xét xử không công khai, giúp thông tin các bên được bảo mật.
    • Trọng tài viên có chuyên môn cao, am hiểu sâu sắc về vấn đề tranh chấp.
  • Nhược điểm:
    • Chi phí trọng tài cao.
    • Phán quyết của trọng tài có thể bị Tòa án huỷ.
    • Một số hoạt động vẫn cần sự can thiệp của Tòa án như việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay thi hành phán quyết trọng tài.

3.2. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án

  • Ưu điểm:
    • Trình tự, thủ tục chặt chẽ;
    • Phán quyết có tính cưỡng chế cao.
    • Xét xử công khai, mang tính răn đe.
    • Chi phí hợp lý.
  • Nhược điểm:
    • Thủ tục phức tạp, thiếu linh hoạt.
    • Bản án, quyết định của Tòa án có thể bị kháng cáo, khiến quá trình xét xử bị kéo dài, tốn kém thời gian, công sức của các bên.
    • Xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh và uy tín, vị trí của các bên trên thương trường.

Lac Duy & Associates thường hỗ trợ các khách hàng soạn thảo các hợp đồng thiết kế, thi công và đặc biệt đại diện các bên tranh chấp, với tư cách luật sư hoặc người đại diện theo ủy quyền, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì cần tư vấn, hỗ trợ xin hãy liên hệ ngay đến Lac Duy & Associates để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.

Rate this post