dam-phan-thuc-hien-hop-dong-dan-su

Đàm Phán Và Thực Hiện Hợp Đồng Dân Sự

Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Trên thực tế, khi tiến hành soạn thảo, ký kết hợp đồng dân sự, các bên phải lưu ý các vấn đề sau:

hopdongdansu

Các vấn về ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự

Các bên giao kết hợp đồng dân sự: để hợp đồng dân sự có hiệu lực, BLDS 2015 yêu cầu nếu pháp nhân thì hợp đồng đó phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 134 Bộ luật dân sự 2015) hoặc người khác do người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản (Điều …) và nếu là cá nhân thì cá nhân đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

Hợp đồng dân sự phải được đàm phán, giao kết tự nguyện, không bị lừa dối (Điều 117, 123 và 127 BLDS 2015) và không được vi phạm điều cấm của pháp luật;

Hình thức của hợp đồng dân sự: Tùy mỗi hợp đồng cụ thể mà pháp luật quy định điều kiện bắt buộc cho hình thức của hợp đồng. Đối với hợp đồng pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trong trường hợp pháp luật có quy định phải đăng ký hoặc công chứng, chứng thực thì bắt buộc phải thực hiện theo quy định này (ví dụ hợp đồng mua bán căn hộ, xe hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sở dụng đất quy định tại các Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, Điều 117 BLDS 2015 và Điều 167 Luật Đất đai năm 2013).

Do đó, các chủ thể cần nắm rõ quy định pháp luật để tuân thủ đúng về hình thức, tránh việc hợp đồng vô hiệu chỉ vì không tuân thủ quy định về hình thức.

Về quyền và nghĩa vụ của các bên: Pháp luật Việt Nam có quy định chung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong một giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trên thực tế, các bên cũng có thể thỏa thuận thêm một vài điều khoản khác phù hợp năng lực tài chính và nhu cầu của các bên nhưng, nhìn chung, các bên không được thỏa thuận và bổ sung vào trong hợp đồng những nội dung mà pháp luật Việt Nam cấm. Ví dụ như điều khoản về :

  • Giải thích hợp đồng: Căn cứ vào Điều 404 BLDS 2015, việc giải thích hợp đồng được thực hiện dựa vào rất nhiều yếu tố như ngôn ngữ, ý chí, mục đích, tính chất hợp đồng. Đối với một số loại hợp đồng dân sự đặc biệt, sẽ có các thuật ngữ chuyên ngành hoặc thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn. Do đó, các bên tham gia giao dịch cần định nghĩa rõ ràng đối với các thuật ngữ quan trọng.
  • Về điều khoản giải quyết tranh chấp: Khi giao kết hợp đồng, các chủ thể thường không chú trọng đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tranh chấp phát sinh, các bên khó tìm được tiếng nói chung để chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho mình. Do đó, trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng dân sự, các bên cần quy định rõ những điều kiện cần thiết để tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trường hợp, các bên lựa chọn pháp luật và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì khi có tranh chấp xảy ra sẽ ưu tiên thỏa thuận này.
  • Điều khoản về luật áp dụng: các quan hệ dân sự chịu sự chi phối đáng kể bởi các quy định pháp luật áp dụng. Trong nhiều giao dịch dân sự, pháp luật thay đổi khá thường xuyên và, do đó, việc ghi nhận không phù hợp các văn bản pháp luật áp dụng trong giao dịch đó có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên. Trên thực tế, trong BLDS 2015 có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, cụ thể tại điều Điều 667 BLDS 2015, nhất là đối với các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài.

Một số điều khoản hợp đồng dân sự thường bị vi phạm: chất lượng, giá cả và phương thức thanh toán. Để hạn chế tranh chấp các bên cần sử dụng các thuật ngữ rõ ràng và nội dung các điều khoản cũng cần được viết rõ nghĩa, tránh sử dụng các thuật ngữ có nhiều cách hiểu khác nhau.

Chế tài khi vi phạm hợp đồng: các bên trong hợp đồng vẫn thường thỏa thuận về một số điều khoản bồi thường thiệt hại khi một bên vi phạm nghĩa vụ của mình. Đôi khi, các bên còn bổ sung điều khoản “Phạt vi phạm hợp đồng”.

Theo Điều 418 BLDS 2015 thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác, (khác biệt so với Luật thương mại 2005, theo đó tại Điều 301 quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật này).

Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp các bên cố tình không thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận mức phạt cao hơn so với mức phạt theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong trường hợp đó, mức phạt vượt quá rất có khả năng sẽ bị tòa tuyên là không có hiệu lực.

Lac Duy & Associates với nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý được đào tạo từ Anh, Mỹ, Nhật và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn soạn thảo, tư vấn các vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì cần tư vấn, hỗ trợ, bạn đọc có thể liên hệ ngay đến Lac Duy & Associates để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.

Rate this post