con-trau-co-quyen-kien-may-cay-khong

Con trâu có quyền kiện máy cày không? Quyền Kiện Tụng Ở Đây

Quyền Kiện Tụng

Việc phiên tòa sơ thẩm vụ án Công ty Vinasun kiện Công ty Grab tiếp tục được hoãn xử đến ngày 22-11-2018 nhằm có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến kết luận giám định về số tiền thiệt hại hơn 41 tỉ đồng của Vinasun phần nào cho thấy sự cẩn trọng của hội đồng xét xử trước khi đưa ra những nhận định, phán quyết của mình.

Tuy nhiên, cho dù kết quả thế nào, hẳn cơ quan tài phán cũng khó có thể làm đẹp lòng cả nguyên đơn, bị đơn và những người  quan tâm tới vụ kiện do sự khác biệt về quan điểm khi tiếp cận vụ tranh chấp.

Điều dường như chắc chắn là những tranh cãi liên quan tới vụ kiện sẽ còn kéo dài ngay cả sau khi bản án được tuyên, dù những tranh cãi này có thể không thật sự liên quan đến vai trò độc lập và nguyên tắc chỉ tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử.

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin bàn về một khía cạnh pháp lý của vụ tranh chấp. Cụ thể, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng như thế nào trong việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của Vinasun đối với Grab? Theo đó, căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), các nhân tố quyết định mà cơ quan tài phán sẽ dựa vào để bác hoặc chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun là gì?

quyenkientung

Con trâu kiện cái máy cày: Tại sao không?

Trong vụ Vinasun kiện Grab, nhiều người ví von đây chẳng khác nào hành động con trâu đi kiện cái máy cày để hàm ý về việc làm vô lý và không nên. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề ở đây không phải con trâu có nên kiện cái máy cày hay không mà là con trâu có hay không quyền kiện cái máy cày. Khi đó, nếu việc kiện là được phép và có căn cứ thì việc con trâu đi kiện hay không là vấn đề lựa chọn của chính nó, hơn là vấn đề nên hay không nên.

Tương tự, câu hỏi nên đặt ra ở đây là cơ sở pháp lý nào để Vinasun tiến hành việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong vụ tranh chấp với Grab thay vì họ có đang làm việc có tính chất… bắt đền Grab một cách vô lý và đi ngược xu thế tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay không.

Theo quy định của BLDS 2015, việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại có thể được chia thành hai loại: bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 

Qua thông tin có được từ vụ tranh chấp, có thể thấy Vinasun đã dựa vào chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để khởi kiện Grab. Điều 584 BLDS 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định rằng người nào (tổ chức và cá nhân) có hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì có nghĩa vụ bồi thường.

Theo đó, quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Grab mặc nhiên phát sinh, một khi Vinasun tự nhận thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của công ty mình bị thiệt hại do hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật của Grab.

Tuy nhiên, từ thực tế sử dụng quyền khởi kiện đến khi có thể được tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện là cả một quá trình dài.

Theo quy định của BLDS 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Grab chỉ phát sinh khi có đủ tất cả các điều kiện: (i) Grab có hành vi vi phạm pháp luật; (ii) có thiệt hại xảy ra cho Vinasun; và (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra củaVinasun.

Quá trình xem xét, kiểm tra chứng cứ và xét xử tại tòa của hội đồng xét xử tựu trung cũng chính là nhằm làm rõ yêu cầu khởi kiện của Vinasun có thỏa mãn tất cả ba điều kiện tiên quyết trên hay không.

Hành vi vi phạm pháp luật của bị đơn

Hành vi vi phạm pháp luật của bị đơn là xuất phát điểm cho yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của nguyên đơn. Đó có thể là hành vi vi phạm những quy định của pháp luật nói chung, những quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, không giới hạn trong một lĩnh vực pháp luật cụ thể nào.

Đặc biệt, yếu tố lỗi của hành vi vi phạm không hề được nhắc đến trong BLDS 2015. Điều này khác với BLDS 2005 vốn yêu cầu việc vi phạm phải do “lỗi cố ý hoặc vô ý”.  Như vậy, theo quy định mới, để chứng minh một hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại phải bồi thường, nguyên đơn không cần chỉ ra hành vi đó có phải là hành vi có lỗi hay không. 

Quay lại trường hợp của Vinasun và Grab, việc có hay không có hành vi vi phạm của Grab sẽ xoay quanh những tranh luận, bằng chứng của Vinasun để chứng minh rằng:

(a) Grab đã lợi dụng các quy định cho phép hoạt động dưới hình thức một công ty công nghệ, vốn được hưởng nhiều ưu đãi hơn, để thực hiện việc kinh doanh như một hãng taxi; và

(b) đồng thời, Grab đã có các hành vi khuyến mãi trái với quy định của pháp luật thương mại hay không?

Ở chiều ngược lại, Grab có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với những cáo buộc từ phía Vinasun thông qua những lập luận và bằng chứng của mình, để thuyết phục hội đồng xét xử. Một khi những người cầm cân nảy mực đồng ý với quan điểm của Grab về việc họ không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cáo buộc của nguyên đơn, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ không phải là trọng tâm tiếp tục được xem xét.

Việc xác định thiệt hại xảy ra

Khoản 1 điều 584 BLDS 2015 nêu rõ: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Khác với BLDS 2005 , điều 585 BLDS 2015 quy định thiệt hại xảy ra phải là “thiệt hại thực tế”. Tuy nhiên, thế nào là thiệt hại (xảy ra) thực tế thì chưa có quy định pháp luật nào diễn giải một cách chi tiết.

Về mặt nguyên tắc, có thiệt hại thực tế trong trường hợp này có thể chia thành hai nhóm cơ bản gồm

(i) thiệt hại về tinh thần, sức khỏe như tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm, xâm phạm sức khỏe của cá nhân và

(ii) thiệt hại về vật chất là trường hợp tài sản bị mất, hủy hoại, bị hư hỏng; chi phí phải bỏ ra để khắc phục, ngăn chặn thiệt hại, hoa lợi, lợi mà đáng ra thu được.

Trong trường hợp thiệt hại được quy ra thành vật chất, đặc biệt là bằng tiền, việc xác định đúng số tiền thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm pháp luật của bị đơn có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết thỏa đáng tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đòi hỏi này càng đúng với tranh chấp phức tạp như vụ kiện giữa Vinasun và Grab.

Xét mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái luật

Điều kiện về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm của bị đơn có vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức bồi thường cuối cùng mà người bị thiệt hại có thể nhận được.

Việc chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật và có thiệt hại xảy ra sẽ trở nên vô nghĩa nếu bên bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại xảy ra là hệ quả của hành vi vi phạm. Bởi đơn giản, theo lẽ công bằng, bên vi phạm không có nghĩa vụ phải bồi thường cho những khoản thiệt hại mà họ không gây ra.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, đây là nhiệm vụ khó, phức tạp và “đau đầu” nhất mà các luật sư phải đối mặt trong quá trình hỗ trợ các khách hàng, dù là nguyên đơn hay bị đơn, trong các vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này cũng không là ngoại lệ trong tranh chấp giữa Vinasun và Grab.

Trong bối cảnh có nhiều “công ty công nghệ” đang tham gia thị trường cùng với Grab, đồng thời giữa các hãng taxi truyền thống cũng cạnh tranh quyết liệt với nhau, nếu khẳng định Grab phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự sụt giảm lợi nhuận của Vinasun thì có phần khiên cưỡng và không hoàn toàn thuyết phục.

Chưa kể, ở một mức độ nào đó, bên thiệt hại cũng cần thuyết phục hội đồng xét xử về việc sụt giảm lợi nhuận của mình không có “đóng góp” của các nhân tố nội tại của chính Vinasun, bởi khoản 4, điều 585, BLDS 2015 quy định: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.

Cái khó nữa cho Vinasun

Không chỉ phải thỏa mãn cả ba điều kiện như đã phân tích ở trên, để được tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể cần chứng minh thêm bên yêu cầu bồi thường thiệt hại đã áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để, ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra, bởi vì khoản 5 điều 585 BLDS 2015 quy định rằng:

“Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.” Đến đây, câu hỏi đặt ra cho Vinasun trong vụ kiện này là liệu Vinasun đã làm những gì để ngăn chặn và đã áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm bớt thiệt hại của mình chưa trước khi khởi kiện Grab.

Vấn đề này không dễ để chứng minh, thuyết phục hội đồng xét xử trong bối cảnh hiện tại, bởi ngay cả khái niệm biện pháp cần thiết trong tình huống này luật cũng chỉ quy định đến chừng đó, không có bất kỳ sự diễn giải gì thêm. Tất cả phần thiếu còn lại dựa vào sự công tâm và niềm tin nội tại về lẽ công bằng của người cầm cân nảy mực.

Rate this post