cuoc-chien-rac-thai

Cuộc chiến với rác nhựa: Hãy sử dụng hiệu quả “cây gậy” thuế

“Cuộc chiến” với sản phẩm nhựa sử dụng một lần vẫn chưa mang lại các kết quả gì khả quan. Chúng ta không thiếu các giải pháp, cái thiếu ở đây chính là tính thực thi của các giải pháp này. Sự thiếu quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiên trì với công cụ quản lý phù hợp dẫn đến cuộc chiến này có thể trở thành nhiệm vụ… bất khả thi về rác nhựa.

racnhua

Chọn yếu tố kinh tế làm trung tâm, nhưng…

Để đối phó với các vấn đề môi trường nói chung và cuộc khủng hoảng túi nylon hiện nay nói riêng, các nước trên thế giới có thể có các cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu trung có ba giải pháp: (i) cấm đoán; hạn chế; rào cản kỹ thuật; (ii) thuế, phí; trợ giá; tín dụng; đầu tư cơ sở hạ tầng; và (iii) tuyên truyền, vận động.

Tùy vào điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi nước, người ta có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều cách tiếp cận sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ, Kenya chọn giải pháp rất cứng rắn bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi sản xuất lẫn tiêu dùng sản phẩm túi nylon sử dụng một lần. Trong khi đó, tại nước Anh, chính quyền kết hợp cả hai giải pháp tuyên truyền, vận động lẫn đánh thuế thật cao vào từng túi nylon được đưa vào lưu thông và đã rất thành công.

Quay lại Việt Nam, thông qua đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy ban hành từ năm 2013 (Đề án 2013), có thể thấy rõ nước ta chọn cách tiếp cận đa chiều, trong đó lấy giải pháp đánh vào yếu tố kinh tế làm trung tâm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều năm nay, kể từ khi Chính phủ đặt quyết tâm đẩy lùi sự “xâm lăng” của túi nylon bằng một đề án mang tầm quốc gia, tất cả những gì chúng ta đã làm được chủ yếu xoay quanh những phong trào vận động, tuyên truyền, tăng cường nhận thức người dân về tác hại của rác thải nhựa.

Số lượng rác nhựa thải vào môi trường vẫn tăng đều đặn và tăng nhanh, biến Việt Nam thành “gã khổng lồ”, đứng thứ tư trên thế giới về lượng rác thải nhựa vào đại dương với 1,8 triệu tấn/năm(1).

Trái lại, dù chọn cách tiếp cận với yếu tố kinh tế là trung tâm, trong đó quan trọng nhất là “vũ khí” thuế, nhưng loại “vũ khí” này vẫn chưa được khai thác triệt để.

Nghịch lý thuế bảo vệ môi trường

Đánh thuế thật cao để tiết giảm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa sử dụng một lần là một giải pháp rất khả thi và được áp dụng phổ biến ở nhiều nước.

Việt Nam cũng đang áp dụng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) như là một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thu thuế ở ta đối với loại thuế này hiện ở mức gần như… tuyệt đối, lên đến hơn 99%(2).

Với mức thuế 40.000 đồng/ký túi nylon sản xuất ra, nếu thu đúng, thu đủ thì số tiền thu được phải lên tới con số 20.000 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, thực tế năm 2017, cơ quan thuế cả nước chỉ thu được… 54 tỉ đồng, quá nhỏ để có thể tác động gì đó đến hành vi sản xuất và tiêu dùng túi nylon(3).

Nhìn vào các con số này có thể thấy rõ vấn đề không nằm ở mức thuế mà hoàn toàn ở hiệu quả thu thuế. Tuy nhiên, thay vì ưu tiên tìm giải pháp để chống hoặc giảm thất thu, ngành thuế lại cho rằng mức thuế BVMT còn thấp, cần tăng lên để có thể tác động nhiều đến việc sản xuất, sử dụng túi nylon.

Thế là mức thuế được tăng… kịch khung theo quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/ký túi nylon. Theo ước tính của cơ quan này, với mức tăng này, với khả năng hành thu kém như hiện nay, thì từ năm 2019, mỗi năm ngân sách cả nước sẽ chỉ tăng thu thêm khoảng… 13,5 tỉ đồng(4).

Cơ quan thuế có thể đúng khi nêu khó khăn lớn nhất khi thu thuế BVMT đối với túi nylon là có tới 70% cơ sở sản xuất là các hộ nhỏ lẻ, đóng thuế khoán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

Tuy nhiên, đây không thể coi là lý do giải thích cho việc thất thu thuế lên đến hơn 99% nêu trên. Chưa kể, ở Việt Nam, việc “đối phó” với tình trạng các cơ sở kinh doanh tồn tại dưới dạng nhỏ lẻ, hộ gia đình và không thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ không phải là điều gì đó xa lạ với các cán bộ thuế ở cơ sở.

Ngoài ra, dù thực hiện chế độ kê khai và nộp thuế nào, việc kê khai cũng cần phản ánh đúng tình trạng hoạt động kinh doanh chịu thuế của cơ sở kinh doanh. Khi đó, với tư cách là người xem xét và chấp nhận kê khai của chủ cơ sở, cơ quan thuế không thể không chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ khắc phục khi sự thất thu xảy ra, nhất là khi sự thất thu với tỷ lệ vô lý như vậy.

Nút thắt nằm ở đây

Nếu không hóa giải được tình trạng thất thu thuế BVMT này, dù có tăng thuế gấp vài lần đi chăng nữa thì giá thành túi nylon sản xuất ra vẫn sẽ rất thấp và nhà bán lẻ cũng chẳng có nhiều áp lực phải tiết giảm việc phát ra vô tội vạ cho “thượng đế”.

Ở chiều ngược lại, nếu giải được bài toán thất thu thuế BVMT kèm với việc tăng mức thuế, chắc chắn giá các sản phẩm túi nylon bán ra sẽ tăng cao, chi phí bị đội lên buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc nghiêm túc về số lượng túi phát miễn phí cho khách hàng hoặc buộc người tiêu dùng phải chia sẻ chi phí này. Điều này sẽ góp phần đáng kể khiến người dân thay đổi thói quen dùng túi nylon rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm.

Sản xuất túi thân thiện với môi trường thì “tự bơi” trong khó khăn

Trong Đề án 2013, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện việc xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất, giới thiệu và phân phối các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường, thay thế túi nylon khó phân hủy.

Tuy vậy, cho đến nay, khi chỉ còn vẻn vẹn hơn một năm cho việc hoàn thành các chỉ tiêu giảm tiêu thụ túi nylon đầy tham vọng của đề án này, các cơ sở sản xuất túi thân thiện với môi trường vẫn đang hoàn toàn “tự bơi” để tồn tại.

Giá thành cao, các sản phẩm thân thiện với môi trường sản xuất ra đương nhiên không thể cạnh tranh được với túi nylon giá rẻ. Vì vậy, nếu muốn các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện với môi trường tồn tại và phát triển được để đẩy lùi túi nylon có hại cho môi trường, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp này.

Đồng thời, tăng thuế đối với các nguyên liệu làm ra các sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy, cùng với các chính sách thuế khác, để những sản phẩm này trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn với sản phẩm phân hủy sinh học.

Một khi chi phí sản xuất của hai sản phẩm có cùng công dụng tương đồng nhau, giá bán ra sẽ không thể có sự chênh lệch lớn. Đến lúc đó, người tiêu dùng hẳn sẽ biết phải chọn sản phẩm nào.

Điều này đồng nghĩa sẽ không cần bất cứ sự trợ giá hay ưu đãi về thuế, phí trực tiếp nào từ Nhà nước nữa, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn đủ sức giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với các túi nylon mà ai cũng biết rõ là có hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng kia. 

(1) https://baovemoitruong.org.vn/cac-quoc-gia-gay-o-nhiem-moi-truong-bien-nhieu-nhat/

(2) https://laodong.vn/kinh-te/lo-hong-phap-luat-tu-thue-bao-ve-moi-truong-that-thu-nghin-ti-dong-voi-tui-nylon-632665.ldo

(3) và (4) https://laodong.vn/kinh-te/lo-hong-phap-luat-tu-thue-bao-ve-moi-truong-that-thu-nghin-ti-dong-voi-tui-nylon-632665.ldo

Rate this post