Cái Nhìn Pháp Lý Về Thuế Với Game NFT – Blockchain Hiện Nay
Game NFT đang bùng nổ như một xu hướng mới và tạo thành một làn sóng trên thị trường game hiện nay. Game được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain có token hoá tài sản trong game, cho phép người chơi thu thập các vật phẩm dưới dạng non-fungible token (NFT). Giải thích một cách dễ hiểu, với tựa game này người chơi phải bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu để mua các vật phẩm hoặc nhân vật trong game. Quá trình chơi được xem như quá trình “đầu tư” thông qua việc đào các token (phát hành dưới dạng phần thưởng trong game) hoặc cho nhân vật chiến đấu, sinh sản và giao dịch vật phẩm với người chơi khác để thu về loại tiền ảo được sử dụng trong game. Tiền này sau đó được quy đổi ra giá trị tiền thật (bằng đơn vị tiền tệ tại quốc gia người chơi đang sinh sống hoặc theo ví tiền ảo chỉ định) và được định giá theo thị trường.
Dưới sự bùng nổ của Blockchain và Game NFT, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đi đầu về các tựa game này về gọi vốn cũng như thu nhập từ Game NFT. Điển hình là Axie Infinity, trò chơi dựa trên blockchain do công ty Sky Mavis của Việt Nam phát triển, đã giúp hàng ngàn người dân Đông Nam Á kiếm tiền bằng cách nhân giống và chiến đấu với các thú cưng trong thế giới số. Ở giai đoạn kỷ lục, mỗi ngày Axie Infinity có hơn một triệu người trên khắp thế giới, tổng giá trị vốn hóa cán mốc 8,5 tỷ USD. Mới đây, dự án Game blockchain khác của người Việt là Sipher gọi vốn thành công 6,8 triệu USD từ các quỹ đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc, còn trước đó có Faraland (2,4 triệu USD), HeroVerse (1,7 triệu USD).
Với doanh thu cùng vốn đầu tư “khủng” từ Game NFT, một mối quan tâm được đặt ra là: Liệu Công ty sáng lập và người chơi trên nền tảng Game NFT có phải chịu thuế cho việc gọi vốn lẫn thu nhập trong game?
Trước hết, có thể nhận định rằng tiền tệ được sử dụng trong game và các token (phần thưởng) được gọi chung là tiền mã hóa. Vậy, cần xác định tiền mã hóa có phải là tài sản hay không để đánh thuế? Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, tiền mã hóa có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam hay không cần đánh giá thông qua bốn loại tài sản trên. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về việc công nhận hay không đối với các loại tiền mã hóa. Mặt khác, vẫn còn tồn tại rất nhiều quy định chồng chéo, khó áp dụng nên chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để đánh thuế cả Công ty sáng lập và người chơi trên nền tảng Game NFT.
Điều quan trọng hơn, Việt Nam thiếu hẳn một khung pháp lý về tiền mã hóa và các token trong game thuộc dòng blockchain gaming. Bên cạnh các tiền mã hóa thì vật phẩm và token cũng không được xem là tài sản. Và một điều hiển nhiên rằng, nếu chúng không phải tài sản thì giao dịch mua bán các vật phẩm đó không được xem là các giao dịch chuyển nhượng tài sản. Vậy thì không có cơ sở để đánh thuế, chúng ta không thể thu thuế khi mà khung pháp lý về xác nhận tiền mã hóa có phải tài sản không, cơ sở đánh thuế là gì… chưa được hoàn thiện.
Tuy nhiên, vào ngày 15/06/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên nền tảng blockchain. Yêu cầu này được kì vọng sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể về hành lang pháp lý để triển khai tiền ảo trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Nên ghi nhận các loại tiền mã hóa, tiền ảo là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự
Việc ghi nhận các loại tiền mã hóa, tiền ảo là một loại tài sản sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến loại hình tiền này với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu… Đồng thời, tạo ra một khung pháp lý dựa trên nền tảng xác định các loại tiền mã hóa, tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản…). Bên cạnh đó còn tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với các loại tiền mã hóa, tiền ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo loại hình tiền này ngày càng gia tăng.
Nên ghi nhận các loại tiền mã hóa, tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện
Thừa nhận tiền mã hóa, tiền ảo là tài sản là xu hướng chung trên thế giới. Điều này không chỉ phù hợp với các lý luận chung về tài sản và sở hữu, mà còn đáp ứng với thực tiễn phát triển của các đồng tiền mã hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. Thứ trưởng Tài chính Philippines Antonette Tionko tuyên bố “Bất kỳ ai kiếm tiền từ Axie Infinity cũng phải báo cáo thu nhập và nộp thuế”. CNBC từng thông tin, vào mùa hè năm 2020 khi người người tại Philippines phải ở trong nhà để tránh dịch COVID-19, việc chơi game Axie Infinity trở thành cách để họ kiếm tiền. Có thời điểm, lượng người chơi tại Philippines được cho rằng chiếm đến 40% tổng số tài khoản đăng ký chơi game Axie Infinity. Chính vì thế, game Axie Infinity trở thành cơn sốt “chơi kiếm tiền” tại quốc gia này. Thứ trưởng Tionko cho biết “Tiền số là một loại tài sản và nó nằm trong danh mục đánh thuế ở Philippines”, do đó, các giao dịch được trả bằng tiền hoặc hiện vật, đồng thời tiền điện tử thu được trong game cũng phải chịu thuế. Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Philippines chưa đề ra cơ chế xác định giá trị và quy trình thu thuế từ tài sản kỹ thuật số.
Rõ ràng, Philippines có cơ sở pháp lý cụ thể để xác định tiền số là một loại tài sản và nó nằm trong danh mục đánh thuế. Như vậy, Cơ quan thuế Philippines có thể dễ dàng tìm cách đánh thuế cả người chơi và những doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng blockchain gaming. Riêng đối với Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa, trên thực tế, nhiều phân tích cho thấy, tiền mã hóa là một tài sản mới, phi truyền thống. Bởi vậy, Việt Nam cần luật hóa và xác định tiền mã hóa là tài sản đặc biệt; đồng thời, xây dựng khung pháp lý quản lý giao dịch liên quan đến tiền mã hóa nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, người tiêu dùng. Khi có khung pháp lý cụ thể xác định tiền mã hóa là tài sản thì Cơ quan thuế Việt Nam sẽ có cơ sở để đánh thuế đối với lợi nhuận phát sinh từ Game NFT nói riêng và các loại tiền ảo nói chung.
Mã Download: 7253