Các Lưu Ý Khi Xảy Ra Tranh Chấp Thương Mại Có Yếu Tố Nước Ngoài

Các Lưu Ý Khi Xảy Ra Tranh Chấp Thương Mại Có Yếu Tố Nước Ngoài

Trong bối cảnh Việt Nam tiến đến hội nhập quốc tế, hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển khiến cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh thêm nhiều tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ đưa ra một số lưu ý để bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề nêu trên.

1. Thế nào là tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài:

Đầu tiên, tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là tranh chấp thương mại

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 (Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự), các tranh chấp thương mại được hiểu là:

Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể hiểu rằng, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) lợi ích về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia vào quá trình hoạt động kinh doanh thương mại và thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 30 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự nêu trên. Một tranh chấp thương mại phải hội đủ các yếu tố:

  • Tranh chấp đó phát sinh từ hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời;[1]
  • Tranh chấp đó phát sinh giữa các thương nhân là các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh[2].

Thứ hai, tranh chấp thương mại đó có yếu tố nước ngoài:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (“Bộ Luật Dân Sự 2015”, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Yếu tố nước ngoài về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
  • Yếu tố nước ngoài về sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
  • Yếu tố nước ngoài về khách thể: các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy, một tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là một tranh chấp thương mại hội đủ điều kiện của Mục 1 (i) (ii) nêu trên.

2. Một số lưu ý khi phát sinh tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài:

  • Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài: Hiện nay, có 03 (ba) phương thức gải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài phổ biến như sau:
  • Thương lượng, hòa giải

“Vô phúc đáo tụng đình”, khi có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh, trước tiên, các bên thường ưu tiên lựa chọn phương thức tự thương lượng, hòa giải với nhau để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và nhanh chóng.

Trong quá trỉnh giải quyết các tranh chấp thương mại nói chung và các tranh chấp thương mại bằng phương thức thương lượng, hòa giải, các bên sẽ cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đưa ra hướng có lợi nhất và giảm tối đa thiệt hại cho các bên. Tức là để hai bên đều có lợi và đều tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận hòa giải.

Trong trường hợp hai bên không thể hòa giải thì phải lựa chọn phương thức khác để giải quyết tranh chấp phát sinh.

  • Tố tụng tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền:

Đây là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến ở Việt Nam hiện nay khi các bên không thể thương lượng, hòa giải. Trong các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, quyền lựa chọn Tòa án giải quyết của các bên được tôn trọng. Điều này phù hợp với nội dung của hệ thuộc luật tòa án trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và các tập quán thương mại quốc tế.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 470 và Điều 469 của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt và thẩm quyền chung khi giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài như sau:

Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;

c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam”.

Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam”.

tranh-chap-thuong-mai-voi-nguoi-nuoc-ngoai

Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều điểm ưu việt nhưng hiện nay chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam chỉ có thể áp dụng đối với tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại số 54/2010/QH12 (“Luật Trọng Tài Thương Mại”) như sau:

Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.

Khi các bên muốn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại, các bên phải thỏa mãn điều kiện là có thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp. Đồng thời, khi chọn trọng tài thương mại để giải quyết thì các bên có thể lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, luật áp dụng. Phán quyết trọng tài tương đương với bản án, quyết định của Tòa án nên khi có phán quyết các bên phải thực hiện nghĩa vụ.

Trọng tài thương mại giải quyết theo nguyên tắc xét xử một lần và phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm và không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự.

  • Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp

Tại Việt Nam, Điều 664 Bộ Luật Dân Sự 2015 có quy định về cách xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau

“Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

Trên đây là một số lưu ý về tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài phù hợp với những quy định mới của pháp luật Việt Nam trong năm 2021. Trường hợp còn bất kỳ vấn đề nào còn thắc mắc hay cần được tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ kịp thời tại:

– SĐT: + 84 (28) 3622 1603

– Email: info@lacduy-associates.com hoặc lacduy@lacduy-associates.com

Trân trọng.


[1] Khoản 1 Điều 3 của Luật Thương mại 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”

[2] Điều 6 Luật Thương mại 2005:

Điều 6. Thương nhân

1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.

3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.

Mã Download: 5333

Rate this post