tranhchapcodong

Điều Kiện Thành Lập Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động Tại Doanh Nghiệp Theo Luật Lao Động 2019

Một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 so với Bộ luật Lao động 2012 là cho phép người lao động tổ chức đại diện người lao động.

Đây là một tổ chức mới, độc lập và khác với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống. Tuy nhiên, các quy định về việc thành lập tổ chức người lao động tại doanh nghiệp hiện nay còn chưa cụ thể, chi tiết gây ra nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho quý bạn đọc một vài thông tin cơ bản về điều kiện thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019.

Hiện nay, điều kiện thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được quy định từ Điều 172 đến Điều 174 Bộ luật lao động 2019, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về việc đăng ký thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.

Để được thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải đăng ký về việc thành lập tổ chức của người lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Và cũng giống như bất kỳ tổ chức nào được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động phải tuân thủ Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan.[1]

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiệm tại, quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp vẫn chưa được Chính phủ hướng dẫn chi tiết thông qua các văn bản pháp luật cụ thể.

Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và người lao động trong việc đăng ký thành lập tổ chức này, Chính phủ cần nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho cả cơ quan thi hành và cho các cá nhân, tổ chức thực hiện để có thể áp dụng vào thực tế mà không phải chỉ là “những quy định mơ hồ trên giấy”.

to-chuc-dai-dien-nguoi-lao-dong

Thứ hai, về xây dựng nội bộ tổ chức.

Tại thời điểm đăng ký, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ vẫn chưa có văn bản quy định số lượng thành viên tối thiểu của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Do đó, để có thể áp dụng vào thực tiễn thì cần đợi thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ và các ban ngành liên quan.

Sau khi đạt được số lượng thành viên tối thiểu để thành lập thì thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tiến hành bầu ra Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động. Theo đó, thành viên được bầu làm Ban lãnh đạo phải thỏa mãn đủ các điều kiện sau:

  • Là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp;
  • Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.[2]

Thứ ba, về Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có Điều lệ. Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:[3]

  • Tên, địa chỉ tổ chức; biểu tượng (nếu có);
  • Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định;
  • Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
  • Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức;
  • Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
  • Thể thức thông qua quyết định của tổ chức.
  • Phí thành viên, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của tổ chức.
  • Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của thành viên trong nội bộ tổ chức.

Trên đây là những thông tin về điều kiện thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật lao động 2019. Trường hợp cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan tới lao động và việc làm, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


[1] Điều 172.1 Bộ luật Lao động 2019

[2] Điều 173 Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 174.1 Bộ luật Lao động 2019

5/5 - (2 votes)