Pháp Luật Về Quyền Thừa Kế Mới Nhất 2023
Quyền thừa kế luôn là vấn đề pháp lý được rất nhiều người quan tâm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền này? Lac Duy & Associates đưa ra những thông tin pháp lý cần thiết để bạn đọc hiểu rõ hơn về quyền thừa kế.
1. Quyền thừa kế là gì?
Theo quy định của Pháp Luật tại Điều 609 của Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Pháp luật quy định hai hình thức thừa kế bao gồm: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
2. Đối tượng của quyền thừa kế
- Về đối tượng của quyền thừa kế dưới góc độ pháp luật được hiểu là tài sản thuộc sở hữu của người chết hoặc quyền tài sản của người chết mà người chết là người sử dụng hợp pháp để lại cho người còn sống.
- Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Vậy tài sản được nhắc tới ở đây được hiểu là bao gồm những gì? Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định tài sản là vật, tiền,giấy tờ có giá và là quyền tài sản. Tài sản được nhắc tới ở đây bao gồm bất động sản và động sản.
- Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
- Ngoài ra, tài sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
3. Chủ thể của quyền thừa kế
Về chủ thể của quyền thừa kế trong trường hợp này bao gồm: Quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản.
3.1 Về quyền của người để lại di sản
- Theo Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc trước khi chết. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội… đều có
- quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Trường hợp có di chúc của người chết để lại thì việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc. Trừ các trường hợp pháp luật quy định mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
- Trường hợp người chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật Dân sự 2015.
3.2 Về quyền của người nhận di sản
- Căn cứ vào việc người chết có để lại di chúc hay không thì người nhận di sản cũng được chia thành hai trường hợp: người nhận di sản theo di chúc và người nhận di sản theo pháp luật.
- Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản mà di chúc đã ghi lại.
- Trường hợp người nhận di sản theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ nhận được.
4. Nguyên tắc của pháp luật về thừa kế
- Tôn trọng quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản. Người để lại di sản hoàn toàn có quyền quyết định ai có quyền được hưởng di chúc, mỗi người được hưởng bao nhiêu hoặc những ai bị truất quyền hưởng di sản thừa kế… mà không bị phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác.
- Tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế. Pháp luật dân sự thiết lập các quan hệ dân sự mà ở đó các chủ thể tham gia có quyền tự quyết định cao, tự do ý chí khi thực hiện các quan hệ đó. Vậy nên người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản thừa kế trừ trường hợp nguyên do nhận là để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.
- Bình đẳng về thừa kế của cá nhân, được thể hiện ở việc các hàng thừa kế có các chủ thể có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn đứng chung hàng thừa kế và được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.
- Bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định của pháp luật. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Lac Duy & Associates về quyền thừa kế tài sản. Đây cũng là nguồn tham khảo cho bạn đọc khi cần giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời về việc giải quyêt tranh chấp thừa kế, tranh chấp thừa kế tài sản, tranh chấp chia thừa kế bất động sản, tranh chấp thừa kế di chúc…
Có thể bạn quan tâm : Quy Trình Xử Lý Tranh Chấp Thừa Kế 2023