mot-so-diem-can-luu-y-ve-di-chuc-moi-nhat-2021

Một Số Điểm Cần Lưu Ý Về Di Chúc Mới Nhất 2023

Hiện nay, pháp luật về di chúc là một vấn đề luôn được nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về những mẫu di chúc thường được sử dụng và những lưu ý về di chúc được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề trên:

1. Di chúc là gì? Phân loại di chúc

Theo định nghĩa tại Điều 624 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (“Bộ Luật Dân Sự”), “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Từ khái niệm trên có thể hiểu rằng di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương mang nội dung thể hiện nguyện vong và mong muốn về việc phân chia tài sản của người lập di chúc sau khi họ chết.

Di chúc cũng là một trong những văn bản rất quan trọng để giải quyết các tranh chấp pháp sinh về quyền thừa kế và di sản thừa kế theo pháp luật Việt Nam và thế giới.

Theo quy định của Điều 627, Điều 628 và Điều 629 của Bộ Luật Dân Sự, di chúc được phân loại thành 02 (hai) loại là di chúc bằng văn bảndi chúc miệng như sau:

(i) Di chúc bằng văn bản bao gồm: (1) 1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, (2) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng, (3) Di chúc bằng văn bản có công chứng, (4) Di chúc bằng văn bản có chứng thực;

(ii) Di chúc miêng: Di chúc miệng có thể lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

2. Tổng quan các quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc cần lưu ý:

Hiện nay, việc thừa kế theo di chúc đang được điều chỉnh theo những quy định chung tại Chương XXII của Bộ Luật Dân Sự (bao gồm 25 điều từ Điều 624 đến Điều 648).

Tuy nhiên, Bộ Luật Dân Sự là luật chung điều chỉnh các mối quan hệ dân sự nên khi xem xét chi tiết một vấn đề về thừa kế theo di chúc, ta cần phải dựa trên tính chất của vụ việc, tính chất của di sản thừa kế và các mối quan hệ pháp luật có liên quan khác để xem xét tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng riêng cho từng lĩnh vực đặc thù khác như Luật Đất đai (đối với di sản thừa kế là đất đai, bất động sản), Luật Doanh nghiệp (đối với di sản thừa kế là cổ phần, phần vốn góp), ….

3. Nội dung lưu ý về di chúc

Theo Điều 631 của Bộ Luật Dân Sự, di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.

Ngoài những nội dung chính nêu trên, khi tiến hành soạn thảo và lập di chúc, cần bổ sung thêm các nội dung có liên quan khác để hạn chế các tranh chấp phát sinh sau này.

4. Di chúc hợp pháp:

Tại Điều 630 của Bộ Luật Dân Sự có quy định về di chúc hợp pháp như sau:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

5. Hiệu lực của di chúc.

Tại Điều 643 của Bộ Luật Dân Sự có các quy định về hiệu lực của di chúc như sau:

“1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp phápkhông ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”.

Một di chúc có hiệu lực là một di chúc hợp pháp. Từ cơ sở nghiên cứu quy định tại Điều 630 của Bộ Luật Dân Sự như đã trích dẫn ở Mục 4, Điều 643 của Bộ Luật Dân Sự nêu trên , và các quy định khác của Bộ Luật Dân Sự, có thể nói rằng di chúc có hiệu lực khi và chỉ khi:

(i) Người lập di chúc cần phải có năng lực hành vi dân sự: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 625 của Bộ Luật Dân Sự, “Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”.

Theo Điều 20 của Bộ Luật Dân Sự, người thành niên là người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22 của Bộ Luật Dân Sự), có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23 của Bộ Luật Dân Sự)

Hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 24 của Bộ Luật Dân Sự). Người thành niên không thuộc các trường hợp trên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự” – Điều 19 của Bộ Luật Dân Sự).

“Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc” (Khoản 2 Điều 625 của Bộ Luật Dân Sự). Tuy nhiên di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi cần phải lập thành văn bản.

(ii) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự do tự nguyện về mặt ý chí trong khi lập di chúc: Vấn đề này được quy định rõ ràng tại Điểm a Khoản 1 Điều 630 của Bộ Luật Dân Sự. Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Dân Sự về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có quy định sau:

“cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Như vậy, một bản di chúc có hiệu lực phải là một bản di chúc hợp pháp được lập trên cơ sở tự do, tự nguyện, không bị lừa dối, cưỡng ép.

(iii) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật: Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điểm b Khoản 1 Điều 630 của Bộ Luật Dân Sự. Khi xem xét quy định này, chúng ta cần phải làm rõ một số vấn đề như sau:

Về mặt hình thức, tại Điều 635 của Bộ Luật Dân Sự quy định rằng “người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”. Như vậy, pháp luật không có quy định về việc di chúc cần phải được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 630 Bộ Luật Dân Sự cũng có các quy định: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực, “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này”. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp lý cao nhất, di chúc nên được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp.

Về mặt nội dung, di chúc cần đảm bảo về việc tồn tại nội dung được quy định tại Điều 631 của Bộ Luật Dân Sự và không chứa các nội dung vi phạm điều cấm của luật (bao gồm Bộ Luật Dân Sự và các luật chuyên ngành có liên quan khác) và không được trái đạo đức xã hội.

(iv) Cá nhân, tổ chức nhận thừa kế phải còn sống hoặc còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế: Vui lòng xem Khoản 2 Điều 643 của Bộ Luật Dân Sự đã được chúng tôi trích dẫn ở phần đầu của Mục 4.

(v) Di sản thừa kế phải còn toàn bộ hoặc một phần vào thời điểm mở thừa kế: Vui lòng xem Khoản 3 Điều 643 của Bộ Luật Dân Sự đã được chúng tôi trích dẫn ở phần đầu của Mục 4.

(vi) Di chúc này là bản di chúc duy nhất hoặc sau cùng: Vui lòng xem Khoản 3 Điều 643 của Bộ Luật Dân Sự đã được chúng tôi trích dẫn ở phần đầu của Mục 4.

6. Những lưu ý khác đối với di chúc bằng văn bản:

Từ kinh nghiệm thực tiễn và việc đối chiếu với các quy định của pháp luật Việt Nam, chúng tôi rút tỉa ra được một số vấn đề khác cần lưu ý khi lập di chúc bằng văn bản như sau:

(i) Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

(ii) Trong trường hợp tài sản thừa kế là là tài sản có đăng kí quyền sở hữu (như bất động sản, ô tô, xe máy…) thì để tránh phức tạp về thủ tục hưởng di sản thừa kế, di chúc nên được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

(iii) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ Luật Dân Sự: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.

Điều này thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ Luật Dân Sự hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ Luật Dân Sự (Khoản 2 Điều 644 Bộ Luật Dân Sự).

Trên đây là những ý kiến tổng quan nhất về việc thừa kế theo di chúc trong năm 2021. Trường hợp còn thắc mắc hay cần hỗ trợ liên quan đến việc thừa kế theo di chúc, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ kịp thời tại:

–           SĐT: + 84 (28) 3622 1603

–           Email: info@lacduy-associates.com hoặc lacduy@lacduy-associates.com

Trân trọng.

Rate this post