3 Lưu Ý Mới Về Nội Quy Lao Động Theo BLLĐ 2019
Bộ luật lao động 2019 (“BLLĐ 2019“) yêu cầu doanh nghiệp, trong quá trình thành lập và hoạt động, phải có nội quy lao động và phải đăng ký nội quy lao động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong bối cảnh BLLĐ 2019 đã sửa đổi khá nhiều các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và đồng thời của người lao động, việc rà soát và đăng ký lại Nội quy lao động là một trong những nội dung vô cùng quan trọng.
Lac Duy & Associates phân tích một số nội dung người sử dụng lao động và người lao động cần lưu ý liên quan đến nội quy lao động.
1. Doanh nghiệp nào cần phải đăng ký nội quy lao động?
Theo BLLĐ 2019, mọi người sử dụng lao động phải có nội quy lao động. Đối với người sử dụng lao động có xác lập quan hệ lao động với 10 người lao động trở lên thì người lao động này phải soạn thảo và ban hành nội quy lao động bằng văn bản (Điều 118.1 BLLĐ 2019 và Điều 69.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP). Đối với người sử dụng lao động có xác lập quan hệ lao động với dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.
So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 không điều chỉnh, thay đổi liên quan đến doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký Nội quy lao động.
2. Các nội dung cần điều chỉnh trong nội quy lao động theo BLLĐ 2019
Điều 118.2 BLLĐ 2019 quy định thêm 3 (ba) nội dung cần phải đưa thêm vào nội quy lao động là:
(i) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
(ii) Những trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ sang làm việc khác so với HĐLĐ: quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định;
(iii) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Nghị Định 145 đã hướng dẫn cụ thể 03 (ba) nội dung trên tại Điều 69. Do đó, các doanh nghiệp nào hiện chưa quy định những nội dung này trong nội quy lao động của mình cần nhanh chóng cân nhắc xem xét sửa đổi và bổ sung cho đúng với quy định của pháp luật lao động hiện hành.
3. Hồ sơ đăng ký nội quy lao động có yêu cầu bổ sung mới gì không?
- Điều 120 BLLĐ 2019 quy định hồ sơ bao gồm các loại văn bản sau:
- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
- Nội quy lao động;
- Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).
- Như vậy, BLLĐ 2019 không đòi hỏi doanh nghiệp phải xuất trình thêm bất kỳ hồ sơ gì khác so với quy định tương ứng của BLLĐ 2012. Điều cần lưu ý là BLLĐ 2019 đã thay đổi mô hình “công đoàn” thành “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”. Trên thực tế, BLLĐ 2019 và các văn bản pháp luật hướng dẫn BLLĐ 2019 cũng chưa có quy định cụ thể số lượng các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được phép thành lập trong một doanh nghiệp. Do đó, khi nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động, doanh nghiệp chỉ cần đính kèm văn bản góp ý của một tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, không nhất thiết phải đính kèm tất cả các văn bản góp ý.
Nhìn chung, BLLĐ 2019 không sửa đổi bổ sung tồn tại khác biệt nhiều liên quan đến vấn đề về chủ thể và hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Về nội dung của nội quy lao động, BLLĐ 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động được sửa đổi trong BLLĐ 2019
Trên đây là một số thông tin về đăng ký nội quy lao động, trường hợp còn thắc mắc hay cần hỗ trợ liên quan đến nội quy lao động, soạn thảo, rà soát, đăng ký nội quy lao động, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ kịp thời tại: SĐT: + 84 (28) 3622 1603 / Email: info@lacduy-associates.com hoặc lacduy@lacduy-associates.com