“Cuộc chiến” với túi nylon: kinh nghiệm từ… nước Anh
Việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường ở khâu sản xuất từ 40.000 đồng lên tối đa 200.000/ki lô gam túi nylon sản xuất ra như trong dự thảo mà Bộ Tài chính đang đề xuất dường như chỉ gây ấn tượng về mặt con số.
Từ cuối năm 2014-2016, trong quá trình tham gia một khóa đào tạo tại một trường đại học ở Anh, tôi tận mắt chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng đầy ấn tượng và thú vị về thói quen sử dụng túi nylon của người tiêu dùng Anh sau khi chính phủ nước này ban hành quy định buộc các siêu thị và nhà bán lẻ phải cộng tối thiểu 5 xu (tương đương khoảng 1.600 đồng) vào hóa đơn mua hàng cho mỗi túi nylon sử dụng một lần.
Giảm hơn 80% chỉ trong… sáu tháng
Chính sách “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng chỉ được Chính phủ Anh quyết định ban hành khi nhà chức trách…
không thể chịu đựng thêm sự thiếu hiệu quả của các giải pháp nặng về tuyên truyền, vận động cũng như sự thiếu tự giác của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng khi số lượng túi nylon tiêu thụ liên tục tăng trong nhiều năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng tại các siêu thị, từ năm 2010-2014, số túi nylon được phát miễn phí cho người mua hàng tăng từ 6,3 tỉ lên 7,6 tỉ cái. Để sản xuất ra lượng túi khổng lồ này, ước tính phải cần tới 61.000 tấn nhựa. Với con số này, theo tính toán, mỗi người tiêu dùng nước Anh đã sử dụng khoảng 140 túi vào năm 2014.
Theo đạo luật mới (The Single Use Carrier Bags Charges (England) Order 2015), tất cả các siêu thị, cửa hàng và chuỗi cửa hàng bán lẻ có tổng số lao động từ 250 người trở lên trên toàn nước Anh buộc phải cộng vào hóa đơn mua hàng tối thiểu 5 xu cho mỗi túi nylon cung cấp cho khách hàng.
Số liệu về số túi nylon bán ra và số tiền thu được phải được các doanh nghiệp báo cáo hàng năm và lưu giữ tối thiểu ba năm nhằm phục vụ cho mục đích hậu kiểm và thống kê.
Chính quyền địa phương nơi đặt các cửa hàng, siêu thị có quyền thực hiện việc giám sát để bảo đảm sự tuân thủ nghiêm chỉnh chính sách này.
Cụ thể, khi phát hiện có sự không tuân thủ, người kiểm tra được quyền ra văn bản nhắc nhở, kèm các khoản phạt tối thiểu 100 bảng Anh (tương đương 3,2 triệu đồng) và có thể lên đến 20.000 bảng Anh (tương đương 640 triệu đồng) đối với lỗi hỗn hợp cung cấp thông tin không chính xác hoặc từ chối hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc kiểm tra giám sát việc tuân thủ.
Đặc biệt, nhà bán lẻ vi phạm có thể bị buộc phải đăng công báo việc mình đã phạm luật.
Chỉ với sáu tháng đầu tiên áp dụng, kết quả đạt được là cực kỳ ấn tượng: số lượng túi nylon đưa vào lưu thông tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ (các kênh mua sắm chính tại Anh) giảm đến hơn 80%, từ 7,6 tỉ túi trong cả năm 2014 còn 500 triệu túi trong sáu tháng đầu năm 2016.
Từ con số 140 túi năm 2014, đến năm 2016-2017, trung bình mỗi người dân Anh chỉ còn sử dụng 24 túi. Chưa dừng lại, 19 túi là con số được ghi nhận vào năm 2017-2018.
“Thừa thắng xông lên”, Chính phủ Anh đang cân nhắc áp dụng chính sách này cho tất cả các cửa hàng bán lẻ và siêu thị, không phân biệt quy mô trên toàn quốc. Đặc biệt, thay vì phải trả 5 xu, với quy định mới dự định áp dụng cuối năm 2018, người tiêu dùng sẽ buộc phải chi con số gấp đôi, 10 xu (tương đương 3.200 đồng) cho mỗi túi nylon được cung cấp.
Chìa khóa của thành công
Không thể phủ nhận chìa khóa quan trọng nhất cho thành công bước đầu trong cuộc chiến nhằm hạn chế và dẫn tới loại bỏ túi nylon của nước Anh là quy định buộc người tiêu dùng phải thực trả và trả tiền trực tiếp cho mỗi túi nylon mà họ sử dụng.
Rõ ràng, người tiêu dùng đã lựa chọn việc từ bỏ thói quen vừa bị coi là có hại cho môi trường sống của mình, gia đình và cộng đồng, vừa gây tốn kém cho túi tiền của bản thân mà chỉ đổi được một chút ít tiện ích và không tương xứng. Việc ném đi ngay các túi mà họ vừa phải trả tiền để có được chẳng khác nào hành động lấy tiền trong ví ra và… cho vào thùng rác.
Ngoài ra, mặc dù trước đó bị chỉ trích vì không thật sự nỗ lực trong việc hạn chế cung cấp túi nylon miễn phí cho khách hàng, các doanh nghiệp bán lẻ lại có vai trò trung tâm trong việc thực thi nghiêm túc và hết sức hiệu quả quy định pháp luật mới về việc không được phát miễn phí túi nylon cho khách hàng.
Không dừng lại ở đó, tại các hệ thống siêu thị lớn, chẳng hạn Tesco, người ta đang tiến tới dừng hẳn việc cung cấp túi nylon sử dụng một lần.
Khách hàng chỉ còn lựa chọn hoặc là mang theo các túi đựng từ nhà hoặc mua tại chỗ các sản phẩm được sản xuất với mục đích sử dụng nhiều lần và thân thiện với môi trường có giá bằng hai túi sử dụng một lần (10 xu).Một điểm thú vị về việc “đánh thuế” này là trên thực tế, ngân sách nhà nước không nhận bất cứ đồng nào từ khoản tiền thu được.
Nhà bán lẻ được quyền sử dụng toàn bộ khoản thu vào các mục đích phù hợp mà họ muốn. Điều này có nghĩa là những hoài nghi đại loại như liệu nhà nước có sử dụng số tiền thu được để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường hay đây đơn giản chỉ là cách để tăng nguồn thu ngân sách sẽ không được đặt ra.
Tới đây người ta quay sang thắc mắc liệu các doanh nghiệp bán lẻ có lợi dụng chính sách bảo vệ môi trường này để “móc túi” khách hàng không. Câu trả lời là không.
Báo cáo cho thấy mỗi 5 xu thu được thì ít nhất 3,8 xu được tự nguyện tặng cho các tổ chức từ thiện hay các quỹ xã hội khác với mục đích phục vụ cộng đồng, khoảng 120 triệu bảng Anh trong hai năm 2016 và 2017.
Từ đó có thể thấy cách phản ứng hết sức tích cực của người dân trong việc giảm nhanh và giảm sâu số lượng túi nylon có hại cho môi trường dường như đã thể hiện sự đồng thuận cao với sự minh bạch của chính phủ và sự hào phóng của các doanh nghiệp bán lẻ.
Nên chăng cần một hướng tiếp cận mới cho Việt Nam?
Mặc dù không thể phủ nhận vai trò của công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường của người dân thông qua việc tự giác tiết chế nhu cầu sử dụng loại túi nylon khó phân hủy, tăng số lần tái sử dụng cũng như chuyển qua sử dụng các túi đựng làm từ vật liệu thân thiện môi trường, thực tế tại Việt Nam chứng minh rằng, nếu muốn giảm lượng túi nylon mới đi vào lưu thông và thải ra môi trường một cách nhanh chóng, đây không phải là giải pháp có vai trò then chốt, quyết định.
Bên cạnh đó, chính sách thuế môi trường đang áp dụng ở nước ta hiện nay cũng chưa cho thấy khả năng tác động làm giảm thực số lượng túi nylon lưu thông và thải vào môi trường trong thời gian ngắn tới đây. Việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường ở khâu sản xuất từ 40.000 đồng lên tối đa 200.000/ki lô gam túi nylon sản xuất ra như trong dự thảo mà Bộ Tài chính đang đề xuất dường như chỉ gây ấn tượng về mặt con số.
Theo báo cáo của bộ này, hiệu quả của hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy là cực kỳ thấp, với tỷ lệ thất thu thuế lên tới 99% do 70% cơ sở sản xuất túi nylon là các hộ nhỏ lẻ, đóng thuế khoán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
Việc mỗi ki lô gam túi nylon chịu thuế 40.000 đồng nhưng ngoài thị trường người ta vẫn có thể tìm mua được loại túi đựng này với giá 30.000 đồng/ki lô gam dường như là câu trả lời cho hiệu quả của chính sách thuế bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh chỉ còn hai năm để thực hiện những mục tiêu đặt ra trong Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, theo đó, so với năm 2010 thì đến năm 2020, khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại phải giảm 65%, tại các chợ dân sinh giảm 50%, người viết cho rằng nếu không có một giải pháp cứng rắn, thậm chí… gây sốc về mặt pháp luật từ các nhà làm chính sách, “tham vọng” trên không thể trở thành sự thật. Cần buộc người tiêu dùng phải thực sự thanh toán tiền cho từng túi nylon đưa vào lưu thông, thí điểm ngay tại quầy tính tiền của siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Việc xử phạt đối với các vi phạm ở mức độ dù chỉ là vừa phải nhưng chỉ cần thường xuyên, nghiêm túc, không theo kiểu “chiến dịch” thì sẽ không khó để hạn chế người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm này, cũng như không khó để thay đổi thói quen phụ thuộc vào túi đựng miễn phí do người bán hàng cung cấp. Điều này sẽ càng khả thi hơn nếu toàn bộ hoặc phần lớn khoản tiền thu được được dùng vào mục đích hỗ trợ tăng cường sản xuất và cung cấp loại túi đựng thân thiện với môi trường, có thể tái sự dụng nhiều lần với giá phải chăng, luôn có bán sẵn ngay tại quầy tính tiền.