CÂU CHUYỆN BÉ GÁI 8 TUỔI: Nỗi nhức nhối quyền thăm con sau ly hôn
Ls. Lạc Duy[1]
Không đề cập đến sự tàn nhẫn, vô cảm “lạnh gáy” của những người liên quan đến cái chết tức tưởi của bé gái 8 tuổi gây chấn động dư luận những ngày gần đây, cũng như không bàn tới trách nhiệm hình sự như thế nào mới thỏa đáng cho câu chuyện thương tâm trên, bài viết này chỉ đề cập đến kẽ hở của việc thi hành bản án/quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của tòa án liên quan đến quyền thăm con hậu ly hôn.
Trong hầu hết các bản án/quyết định về quyền nuôi dưỡng trực tiếp, quyền thăm nuôi con chung, các tòa án gần như phân xử và ra phán quyết theo một khuôn mẫu chung như quy định tại Điều 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là: “A được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, bên không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung không ai được cản trở. Trong quá trình nuôi dưỡng con chung, vì lợi ích của con, khi cần thiết người vợ/người chồng hoặc bên thứ ba khác có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con”
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp hôn nhân tan vỡ kéo theo đủ loại xung đột dẫn đến việc người đang giữ quyền nuôi con trực tiếp không muốn cho bên còn lại thăm con, thậm chí ra sức ngăn cản, cấm trẻ con gặp lại cha hoặc mẹ ruột trong một thời gian dài bất chấp cả quyền thăm con đã được tuyên xử trong bản án/quyết định có hiệu lực.
Quyền thăm con sau ly hôn: thách thức thi hành án
Và câu chuyện bi thương của bé gái 8 tuổi, trừ yếu tố hạn chế đi lại do dịch Covid – 2019 có thể ít nhiều hạn chế người mẹ không thực hiện được quyền, nghĩa vụ thăm một cách đầy đủ, thì bản án/quyết định của tòa được tuyên ra theo kiểu nửa vời như trên hay chính sự “bó tay”, lúng túng từ cơ thi hành án đối với việc thực thi quyền chăm con sau ly hôn cũng là một phần nguyên nhân sâu xa. Tại sao?
Trong nhiều trường hợp, bản án/quyết định giải quyết ly hôn khi xem xét tới vấn đề con chung thì các đương sự không yêu cầu tòa giải quyết mà tự thỏa thuận, rồi khi một bên không thi hành tự nguyện thì bên còn lại mới tá hỏa, yêu cầu tòa giải quyết quyền nuôi dưỡng, quyền thăm con chung bằng một vụ án riêng rẻ. Hay đến khi có yêu cầu giải quyết con chung thì lại gặp phải bản án/quyết định của tòa tuyên xử với nội dung tương tự như nêu ở trên, không ghi cụ thể thời gian, số lần, địa điểm để bên không trực tiếp nuôi dưỡng con được quyền thăm con.
Từ đó, đa phần cơ quan thi hành án sẽ không hỗ trợ cưỡng chế thi hành án đối với phần thăm con cho người không trực tiếp nuôi dưỡng khi thi hành đối với những bản án/quyết định không đề cập giải quyết vấn đề con chung cũng như bản án/quyết định được tuyên xử theo dạng khuôn mẫu trên. Bởi, đơn giản, họ không được quyền giải quyết hay thi hành án vượt quá phạm vi bản án/quyết định mà tòa đã tuyên xử theo đúng quy định tại Điều 20.2 Luật thi hành án dân sự năm 2008, đã sửa đổi bổ sung năm 2014. Nếu có can thiệp, thì cùng lắm chấp hành viên phụ trách sẽ triệu tập bên trực tiếp nuôi dưỡng lên một vài lần để yêu cầu thi hành nghĩa vụ cho thăm con, chẳng may gặp sự bất hợp tác của người này thì cơ quan thi hành án cũng đành “bó tay” với nội dung bản án/quyết định kiểu như vậy.
Thêm vào đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quyền thăm con sau ly hôn chưa hoàn toàn thỏa đáng và mang tính chất răn đe. Cụ thể, theo điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, việc ngăn cấm không cho chồng cũ, vợ cũ thăm con sau khi ly hôn chỉ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng. Đây có thể nói là mức phạt mà gần như không phạt.
Câu chuyện một khách hàng là người đàn ông quốc tịch Mỹ mà tôi có cơ hội hỗ trợ ở giai đoạn yêu cầu thi hành án về quyền thăm con cuối năm 2019 là một điển hình cho sự trớ trêu, thách thức quyền thăm con của đương sự đối với bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án. Người này cũng có bản án có hiệu lực được tòa án Việt Nam tuyên xử quyền thăm con theo khuôn mẫu trên. Ngoài việc khó khăn tại khâu thi hành án nêu trên, vị khách hàng của tôi đã gõ cửa yêu cầu trợ giúp quyền thăm con của Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, của cơ quan công an, tư pháp phường tại nơi bên trực tiếp nuôi con đang lưu trú nhưng cũng đành nhận phản hồi bất lực tương tự như từ cơ quan thi hành án. Dù họ có vẻ rất “uy quyền” trong các lĩnh vực của mình, nhưng rõ ràng họ cũng đành “bó tay” vì pháp luật không hề trao cho họ thẩm quyền giải quyết những nội dung kêu cứu của người nước ngoài này.
Nói cách khác, với khung pháp luật hiện hành tại Việt Nam, nếu muốn thực thi quyền thăm con sau ly hôn mà gặp sự né tránh, phản đối, ngăn cản từ bên trực tiếp nuôi dưỡng con chung thì chỉ có nước ngồi đợi và ghi nhận sự vi phạm này của bên trực tiếp nuôi con để có bằng chứng và chờ thời cơ để khởi kiện về việc ngăn cản quyền thăm con và yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của người kia.
Đây không phải là giải pháp khả dĩ về mặt thời gian để bảo vệ con chung trước những trường hợp rơi vào bạo hành như câu chuyện cô bé 8 tuổi ở trên, cũng như để bên không trực tiếp nuôi dưỡng được thỏa mãn nỗi nhớ đứa trẻ và được thăm con theo đúng bản án/quyết định đã được tuyên xử. Bởi giai đoạn ngồi chờ, thu thập bằng chứng về việc bên trực tiếp nuôi dưỡng vi phạm về quyền thăm con, cũng mất ít nhất từ 2-3 tháng, rồi ngồi chờ tòa thụ lý đơn khởi kiện và đợi đến khi tòa án ban hành bản án/quyết định có hiệu lực về việc thay đổi quyền nuôi dưỡng trực tiếp con chung thì mất thêm từ 3 đến 6 tháng hoặc thậm chí kéo dài hơn 1 năm sau. Những xung đột và hậu quả của chúng có thể đã phát sinh ở giữa hoặc trong những giai đoạn chờ đợi này, và trong nhiều trường hợp là rất nghiêm trọng.
Câu chuyện rúng động trái tim mỗi chúng ta trong những ngày qua cho thấy sự bất lực của người mẹ bất hạnh và sự thiếu thỏa đáng của những công cụ pháp lý liên quan.
Giải pháp khắc phục nằm ở đâu?
Thứ nhất, dù với vai trò là đương sự chính – người cha, người mẹ trong vụ án ly hôn có liên quan đến việc quyền nuôi dưỡng, quyền thăm con chung hay là luật sư tư vấn trong chuyện này thì các bên nên chủ động yêu cầu tòa án phải ghi nhận trong quyết định công nhận sự thỏa thuận thành hay tòa án phải tuyên xử cụ thể số lần, thời gian, địa điểm thực hiện quyền thăm con cho bên không trực tiếp nuôi dưỡng. Từ đó, nếu bị cản ngăn từ bên trực tiếp nuôi dưỡng, bên không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế để được quyền thăm con theo đúng bản án/quyết định của tòa.
Thứ hai, dưới góc độ cơ quan xét xử, nếu gặp những trường hợp đương sự hay luật sư đương sự có khiếm khuyết khi không đặt ra các yêu cầu cụ thể trên, thiết nghĩ thẩm phán thụ lý nên lường trước và hướng dẫn, giải thích để các đương sự cân nhắc bổ sung quyền yêu cầu tòa xem xét quyết định cụ thể về thời gian, số lần, địa điểm dự kiến thực hiện quyền thăm con. Theo đó, Tòa án sẽ có đủ cơ sở để ghi nhận vào bản án/quyết định khi giải quyết vụ án có liên quan đến quyền thăm con cho các đương sự.
Thứ ba, quan trọng nhất, cần điều chỉnh pháp luật hôn nhân gia đình theo hướng bắt buộc phải ghi nhận một cách cụ thể quyền thăm con. Mặc dù để người cha, người mẹ được tự do thỏa thuận nội dung này nhưng sự thỏa thuận phải có các nội dung tối thiểu về số lần, thời gian, địa điểm thực hiện quyền thăm con. Theo đó, tòa án không những có cơ sở để giải quyết một cách rõ ràng mà cơ quan thi hành án có thể hỗ trợ được bên không trực tiếp nuôi con cưỡng chế bên còn lại thi hành án quyền thăm con.
Ngoài ra, Việt Nam trên cơ sở khung pháp lý cùng những điều kiện sẵn có về cơ quan thi hành án, công an và cơ quan bảo vệ trẻ em từ cấp trung ương đến quận, phường rộng khắp cả nước hoàn toàn có thể xem xét ban hành bổ sung một văn bản quy phạm pháp luật, theo đó bên không trực tiếp nuôi dưỡng có quyền yêu cầu tòa án/cơ quan thi hành án, công an, hội bảo vệ trẻ em nơi trẻ đang cư trú, hay người trực tiếp nuôi dưỡng đang cư trú thi hành khẩn cấp quyền thăm nom con chung một cách nhanh chóng, kịp thời.
Thật ra, những quy định như đề cập không phải là mới ở nhiều nước. Chẳng hạn, Lệnh Sắp Xếp Gặp Trẻ Em (Child Arrangements Order)[2] được quy định trong Đạo Luật Trẻ em và Gia đình năm 2014 của nước Anh đã ghi nhận các nội dung này. Thông qua Lệnh Sắp Xếp Gặp Trẻ Em, tình trạng xung đột và cũng như lạm dụng quyền của người trực tiếp nuôi con đã giảm hẳn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ nuôi dưỡng, thăm nom con chung của người cha, người mẹ được thực thi đầy đủ hơn.
Đồng thời với các giải pháp trên, việc tăng hình phạt xử phạt vi phạm hành chính đến mức bên trực tiếp nuôi dưỡng phải e ngại, âu cũng là một trong những tác nhân quan trọng giúp thực thi quyền thăm con của bên không trực tiếp nuôi dưỡng trong bản án/quyết định được thực thi nhanh chóng và hiệu quả hơn trong thực tiễn.
[1] Luật sư Điều hành, Công ty Luật Lac Duy & Associates