Drama “từ thiện”: Cần minh bạch dưới góc độ pháp lý 2023
Luật sư Lạc Duy – Luật sư điều hành, Công ty Luật Lac Duy & Associates
Với mục đích “lá lành đùm lá rách”, bằng uy tín, hình ảnh, thương hiệu cá nhân, các cá nhân, doanh nhân, nghệ sỹ hay những người nổi tiếng khác đã kêu gọi từ thiện thông qua hình thức sử dụng tài khoản cá nhân của mình. Gần đây điều này đang trở thành đề tài dậy sóng trên các kênh đài chính thống lẫn “tự phát”.
Để trả lại hoạt động từ thiện cá nhân về đúng bản chất nguyên thủy, với những người đã, đang hay có ý định tham gia, dù với vai trò người đứng ra quyên góp hay trực tiếp đóng góp, có hai vấn đề pháp lý cần nắm rõ và minh thị trước khi thực hiện giao dịch này.
Một, cần định hình hoạt động từ thiện cá nhân tự phát trên được xác lập theo quan hệ pháp luật gì tại Việt Nam? Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia được điều chỉnh như thế nào? Hai, khi tiền từ thiện được sử dụng sai mục đích mà người kêu gọi quyên góp đã tuyên truyền vận động ban đầu, hệ lụy pháp lý được giải quyết đến đâu?
Xét điểm mấu chốt trong hoạt động từ thiện cá nhân
Ngoài tiền, có ba nhóm chủ thể chính tạm gọi là A, B, C tham gia giao dịch từ thiện thông qua hình thức quyên góp tiền bằng tài khoản cá nhân.
Chủ thể thứ nhất, A – người đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thông qua hình thức sử dụng tài khoản cá nhân của mình hay bên thứ ba để nhận tiền đóng góp. Thông thường, mỗi lần thực hiện quyên góp, A có thể thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để xây dựng chủ đề, chương trình, quyên góp cụ thể, như chương trình quyên góp cho đồng bào miền Trung năm 2019, xây chùa, đình, miếu, …
Chủ thể thứ hai, B – với cái tâm nhường cơm sẻ áo, B có thể là tổ chức hay cá nhân những người tự nguyện đóng góp tiền cho A để A thực hiện các chương trình mà A đã tuyên truyền vận động nêu trên. Chủ thể thứ ba, C – người thụ hưởng tiền từ thiện thông qua hình thức nhận hàng hóa, tiền mặt từ A hay người được A phân công phụ trách.
Đặc biệt, trong mọi trường hợp, C không thể là A mà phải là đồng bào miền Trung, hay bất cứ ai có toàn cảnh khó khăn tùy thuộc vào chương trình, cách kêu gọi tiền từ thiện theo từng đợt mà A đã xây dựng.
Nói cách khác, quan hệ pháp luật mấu chốt, xương sống và dù có bị đốt thành “tàn tro” đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận, giao dịch từ thiện trên mang bản chất là giao dịch tặng cho từ B cho C, chứ không thể tặng cho từ B cho A hay phục vụ lợi ích cá nhân A.
Xét khung pháp lý điều chỉnh: rối như canh hẹ
Có một số ý kiến cho rằng, việc cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện không phải là giao dịch tặng cho từ B cho C và A không thể chỉ đóng vai trò trung gian nêu trên, bởi vì thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 06/06/2008 (Nghị định 64) quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Cụ thể, tại điều 5.3 của Nghị định 64 đã cấm các nghệ sỹ hoặc cá nhân bất kỳ sử dụng tư cách cá nhân để đứng ra tổ chức thực hiện tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ mà không thông qua các tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 64, điều 4 của Thông tư 72/2008/TT-BTC.
Như vậy, hành vi kêu gọi, quyên góp tự phát mang tính chất cá nhân của A có thể xem là một hành vi trái quy định trên.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, ngoài quy định này, pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ chế tài nào có thể áp dụng để xử lý đối với các hành vi vi phạm kêu gọi quyên tiền từ thiện cá nhân này.
Ngược lại, nếu xem quan hệ pháp luật giữa B và C nói trên mang bản chất là giao dịch tặng cho từ B cho C thì sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS). Đồng thời, C luôn luôn là bên được tặng cho, tức bên thụ hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp các khoản tiền từ thiện.
Mặc dù, dòng tiền từ B chuyển khoản thẳng cho A nhưng vai trò của A trong giao dịch này, bản chất đơn thuần chỉ là một người trung gian được xây dựng, xác lập trên sự tín nhiệm và tài sản của B đưa cho A để A có đủ tài chính thay B thực hiện các công việc từ thiện theo đúng chương trình, mục đích kêu gọi quyên góp ban đầu của A.
Mối quan hệ giữa B và A mang bản chất của giao dịch ủy quyền và được điều chỉnh theo quy định tại Điều 138.1 của Bộ luật Dân sự 2015:
“Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Đối với giao dịch ủy quyền hay giao dịch tặng cho nêu trên, hiện nay pháp luật cũng không ràng buộc phải được lập thành văn bản hay công chứng. Nói một cách khác, quan hệ ủy quyền từ B cho A và quan hệ tặng cho từ B cho C thông qua người ủy quyền của B là A bên trên, mặc dù không được lập thành văn bản nhưng đều đã được pháp luật điều chỉnh theo quy định tại Điều 457 và Điều 138.1 của Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên,thực tiễn lại tồn tại vấn đề rằng giữa A và B chưa từng xác được lập bằng lời nói hay thành văn bất kỳ điều khoản ràng buộc về thỏa thuận hay hợp đồng ủy quyền ủy.
Hơn nữa, B hoàn toàn tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của A gần như vô điều kiệu thì liệu rằng quan hệ này có được xem là quan hệ ủy quyền theo quy định tại Điều 138.1 của BLDS hay không? Để giải quyết câu hỏi hóc búa này, ở một số nước có hệ thống thông luật (Common law) như Anh, Mỹ, ..vấn đề kêu gọi từ thiện cá nhân từ lâu đã được điều chỉnh và quản lý hiệu quả theo chế định “tín thác” hay “quản lý tài sản ủy thác” (Trust).
Trong quan hệ tín thác cũng tồn tại 3 bên gồm bên lập tín thác, bên nhận tín thác và bên thụ hưởng tín thác. Điểm nổi bật trong quan hệ này, tài sản tín thác phải được tách bạch hoàn toàn với các khoản nợ, các tài sản riêng khác của bên nhận tín thác và luôn luôn chỉ phục vụ cho mục đích của bên thụ hưởng tín thác theo những điều kiện được quy định tại văn bản xác lập quan hệ tín thác ban đầu giữa bên lập tín thác và bên nhận tín thác.
Hiện tại, Việt Nam chỉ thừa nhận quan hệ tín thác với tên gọi người quản lý tài sản trong quan hệ di chúc, thừa kế hay hôn nhân gia đình mà chưa đề cập đến hoạt động tín thác trong hoạt động thiện nguyện đối với cá nhân.
Hệ lụy và cái khó khi đồng tiền từ thiện đi sai mục đích
Thứ nhất, hệ lụy về trách nhiệm dân sự, khi quan hệ giữa cá nhân nhận quyên góp và các tổ chức, cá nhân quyên góp từ thiện được xem là quan hệ ủy quyền, tức mối quan hệ A và B nêu trên thì Điều 565.6 của Bộ luật Dân sự 2015 sẽ được áp dụng:
“Người được ủy quyền không thực hiện công việc theo ủy quyền có nghĩa là người được ủy quyền đã vi phạm nghĩa vụ của mình và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền”. Do đó, B hay các cá nhân, tổ chức chuyển tiền quyên góp có quyền khởi kiện A để đòi lại số tiền mình đã chuyển kèm theo lãi suất.
Cái khó nhất, trong việc giải quyết vấn đề này nằm ở chỗ, phía A thì khó chứng minh một cách thuyết phục đã sử dụng 100% tiền từ thiện đúng mục đích, vì có những khi A phát tiền mặt, không ký nhận hay mua hàng hóa không chứng từ, ngoại trừ việc (ai đó) chứng minh được A dùng đồng tiền này để phục vụ mục đích cá nhân như mua sắm, trả nợ,…nếu có.
Từ đó, suy ra dòng tiền từ thiện đi sai mục đích để có thể yêu cầu A hoàn trả và bồi thường. Ngược lại, phía B cũng không dễ dàng. Vì giá trị chuyển khoản đôi khi chỉ là vài chục ngàn và có tới hàng trăm, hàng ngàn tổ chức, cá nhân mang tư cách B đã thực hiện chuyển khoản và không mấy ai trong số này chịu đứng ra đáo tụng đình để đòi lại tiền từ A. Thay vào đó, đa số B chọn cách giải quyết bằng im lặng và suy giảm niềm tin về hoạt động thiện nguyện.
Thứ hai, hệ lụy trách nhiệm hình sự, A có thể bị xem xét để truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 và 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi có đơn tố giác và cơ quan điều tra thu nhập, chứng minh đầy đủ về hành vi sử dụng trục lợi cá nhân, sử dụng tiền từ thiện trái mục đích.
Thứ ba, hệ lụy suy giảm niềm tin “từ thiện” trong cộng đồng. Đây mới là vấn đề đáng báo động, đặc biệt vào thời điểm dịch bệnh Covid 19 như hiện nay, vẫn có rất nhiều cá nhân, tổ chức dù không được phép hoạt động theo Nghị Định 64 hay lập thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội hợp pháp theo quy định tại
Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng đã hàng ngày, hàng tháng, và hàng nhiều năm qua kêu gọi đóng góp từ thiện và nếu không đủ, thì mang tiền nhà, bán tài sản hay vay nợ để làm từ thiện. Những chủ thể đáng trân trọng này cũng bị vạ lây, chịu điều tiếng ít nhiều từ sự sai lệch của người khác hay thậm chí, quyết định chấm dứt luôn hoạt động thiện nguyện.
Trước thực tiễn trên, hy vọng cơ quan nhà nước sớm ban hành quy định mới hay sửa đổi bổ sung Nghị Định 64 để hoạt động kêu gọi thiện nguyện cá nhân được thừa nhận hợp pháp, với những ràng buộc trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân tham gia giao dịch này. Đồng thời, “drama từ thiện” đang dậy sóng sẽ sớm có hồi kết hợp tình hợp lý theo đúng cái tâm của hoạt động thiện nguyện cũng như quy định pháp luật có liên quan và không trở thành hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” trong lòng mỗi chúng ta.