Quy Trình Giải Quyết Khi Xảy Ra Tranh Chấp Mua Bán Căn Hộ
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng giao dịch mua bán căn hộ, các tranh chấp mua bán căn hộ cũng ngày một tăng cao. Tuy nhiên, thực trạng là các bên chưa tìm được cơ chế, phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả dẫn đến tranh chấp chưa được xử lý triệt để. Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho quý bạn đọc quy trình giải quyết khi xảy ra tranh chấp mua bán căn hộ.
Giải quyết tranh chấp mua bán căn hộ thông qua thương lượng, hòa giải
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc và đi đến thỏa thuận một cách thức giải quyết tranh chấp, không cần đến sự tác động hay giúp đỡ của bên thứ ba. Nếu việc thương lượng thành công thì hai bên sẽ đạt đến một sự thỏa thuận và các bên sẽ phải thực hiện thỏa thuận đó.
Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua sự tham gia của bên thứ ba, bên thứ ba đóng vai trò trung gian để hỗ trợ hoặc thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm chấm dứt mâu thuẫn.
Thương lượng, hòa giải luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp nào vì ưu điểm nhanh gọn của nó. Các bên không bị gò bó về mặt thời gian như giải quyết tranh chấp qua Tòa án.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải thường không hiệu quả. Chủ đầu tư và bên mua thường không đạt được sự thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp mua bán căn hộ vì mâu thuẫn lợi ích của các bên, các bên không đạt được sự tin tưởng với nhau.
Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án
Yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán như yêu cầu bên bán thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, bồi thường thiệt hại do lỗi của một bên gây ra. Cũng có thể yêu cầu tòa án giải quyết hủy hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đã ký kết, áp dụng các điều khoản phạt cọc, bồi thường theo quy định.
Theo quy định tại các điều 35, 39 và 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Người khởi kiện phải nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở hoặc nơi các bên thỏa thuận trong hợp đồng (không trái quy định pháp luật) hoặc nơi hợp đồng được thực hiện nếu tranh chấp không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp kèm giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân + Sổ hộ khẩu của người khởi kiện;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh tình trạng cư trú (nếu là cá nhân) và tình trạng pháp lý (nếu là pháp nhân) của bi đơn;
- Hợp đồng mua bán căn hộ; Phụ lục hợp đồng (nếu có);
- Các chứng từ, tài liệu thể hiện việc thanh toán; và
- Các tài liệu, chứng cứ thể hiện việc vi phạm hợp đồng.
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ đơn khởi kiện, Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí nếu người khởi kiện thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định pháp luật. Sau đó, Tòa án sẽ xem xét và tiến hành thụ lý vụ án.
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thường là 04 – 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời hạn mở phiên tòa là 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn là 02 tháng.
Trên đây quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ. Trường hợp, cần hỗ trợ thông tin về hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng hứa mua, hứa bán … và việc giải quyết các tranh chấp này, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: