trinh-tu-thu-tuc-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai

Trình Tự Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai mới nhất 2023

Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp phổ biến và phức tạp và thường hay xảy ra tình trạng người dân không biết đến đâu, cơ quan nào để giải quyết tranh chấp của mình. Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho quý bạn đọc trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Khoản 24 Điều 4 Luật đất đai 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.” Theo đó, tranh chấp đất đai là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất, cụ thể: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đối với toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất, bao gồm cả tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất liền kề.

Có không ít người bị nhầm lẫn trong việc xác định tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai dẫn đến việc áp dụng sai thủ tục giải quyết tranh chấp. Tranh chấp liên quan đến đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến đất đai như giao dịch, di sản thừa kế, tài sản chung là quyền sử dụng đất. Các loại tranh chấp liên quan đến đất đai phổ biến bao gồm:

  • Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho…);
  • Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất;

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

2.1 Hòa giải tranh chấp đất đai

2.1.1 Tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở

Theo quy định tại Điều 202.1 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải thông qua 02 hình thức:

  • Hình thức 1: Tự hòa giải;
  • Hình thức 2: Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Hòa giải viên ở cơ sở sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp với nhau. Đây là cách thức giải quyết được Nhà nước khuyến khích vì vậy kết quả giải quyết không bắt buộc các bên phải thực hiện mà phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên.

2.1.2 Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Đây là thủ tục bắt buộc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.[1] Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai khi có Đơn Yêu Cầu.

Hòa giải tranh chấp đất đai ở Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xảy 1 trong 2 trường hợp sau đây:

  • Trường hợp 1: Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp)

Nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Biên Bản Hòa Giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.

  • Trường hợp 2: Hòa giải không thành

Nếu hòa giải không thành thì tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật có cách giải quyết khác nhau (khởi kiện tại Tòa án, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh giải quyết).

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên Bản Hòa Giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

2.2 Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết

Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết sau:[2]

  • Cách 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh (tùy thuộc vào chủ thể tranh chấp).
  • Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp (theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự).

2.3 Khởi kiện tại Tòa án

Căn cứ Điều 203.1 và Điều 203.2 Luật Đất đai 2013, những tranh chấp đương sự được khởi kiện tại Tòa án nhân dân gồm:

  • Tranh chấp đất đai mà đương sự Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
  • Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai không yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh giải quyết tranh chấp.

Theo đó, để khởi kiện tranh chấp đất đai thì cần phải có đủ các điều kiện sau:

  • Người khởi kiện có quyền khởi kiện;
  • Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc;
  • Tranh chấp chưa được giải quyết;
  • Tranh chấp đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trên đây là những thông tin cần thiết về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Trường hợp, cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


[1] Điều 202.2 Luật Đất đai 2013

[2] Điều 203.2 Luật Đất đai 2013

Rate this post