tranh-chap-quyen-nuoi-con

Cấp Dưỡng Cho Con Sau Khi Ly Hôn Người Chồng/Vợ Không Chịu Trách Nhiệm Cấp Dưỡng Cho Con?

Theo quy định tại Điều 82.2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung tự động phát sinh kể từ thời điểm vợ/chồng ly hôn, bất kể vợ/chồng ở đâu, làm gì và điều kiện kinh tế ra sao thì vợ/chồng vẫn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm cấp dưỡng cho con.[1] Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau mà việc cấp dưỡng không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Vậy trong trường hợp sau khi ly hôn người chồng hoặc người vợ không chịu trách nhiệm cấp dưỡng theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn/ Bản án của Tòa án thì giải quyết như thế nào? Trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ đưa ra cách giải quyết trong trường hợp nêu trên để quý bạn đọc tham khảo.

capduongchocon

Căn cứ Điều 45 Luật thi hành án dân sự 2015 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp người chồng không chịu trách nhiệm cấp dưỡng thì người vợ có quyền làm Đơn yêu cầu thi hành án. Sau khi nhận được Đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ, các tài liệu nếu đầy đủ và hợp lệ thì sẽ ra Quyết định thi hành án.

Cơ quan thi hành án sẽ điều tra hoàn cảnh của người chồng và xem xét thực hiện tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình xác minh phát hiện ra người chồng có đầy đủ điều kiện cấp dưỡng cho con nhưng đã không thực hiện việc cấp dưỡng, thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp xác minh được là người chồng vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể thực hiện việc cấp dưỡng thì cơ quan thi hành án sẽ hoãn việc thi hành án.

Người chồng không chịu cấp dưỡng cho con

Nếu người chồng cố ý trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người vợ có thể khởi kiện tại Tòa án để buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Không những vậy, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sẽ bị xử lý còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

  • Người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bị xử lí hành chính trong trường hợp: Theo Điều 54.2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, người chồng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn.
  • Người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp:

Trường hợp người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.[2]

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án mà người chồng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.[3]Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.[4]

Trên đây là những thông tin cần thiết về cách giải quyết khi người chồng hoặc người vợ không chịu trách nhiệm cấp dưỡng theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn/ Bản án của Tòa án. Trường hợp, cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan, bạn đọc có thể liên hệ Lạc Duy & Associates để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


[1] Mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

[2] Điều 1.37 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

[3] Điều 380.1 Bộ luật hình sự 2015

[4] Điều 380.3 Bộ luật hình sự 2015

Rate this post