4 Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản Mà Chủ Doanh Nghiệp Cần Lưu Ý
Khi thành lập doanh nghiệp, một trong những vấn đề pháp lý cơ bản quan trọng hàng đầu mà các chủ doanh nghiệp cần phải lưu tâm chính là các thủ tục pháp lý của doanh nghiệp phát sinh từ khi thành lập đến khi đi vào hoạt động kinh doanh, sản xuất mà có thể kể đến như thủ tục đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, …
Vì vậy, các chủ doanh nghiệp cần phải nắm rõ những pháp lý cơ bản cơ bản được liệt kê và phân tích cụ thể dưới đây khi thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam.
1. Nắm vững các văn bản và tài liệu pháp lý quan trọng của doanh nghiệp
Điều 11 của Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể những văn bản và các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp cần phải có và bắt buộc phải lưu giữ tại trụ sở công ty hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty, cụ thể như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
- Điều lệ công ty;
- Sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp (áp dụng cho công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, công ty hợp danh) hoặc sổ đăng ký cổ đông, cổ phiếu (áp dụng cho công ty cổ phần); biên bản góp vốn và định giá tài sản (nếu có);
- Các tài liệu pháp lý nội bộ của doanh nghiệp như biên bản họp, nghị quyết của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị tùy theo loại hình doanh nghiệp; các quyết định của doanh nghiệp; các quy chế quản lý nội bộ khác của doanh nghiệp tùy theo loại hình doanh nghiệp;
- Các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp như giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ…;
- Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy phép và giấy chứng nhận khác (nếu có);
- Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;
- Bản cáo bạch (nếu có để phát hành chứng khoán);
Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm thực tế, các chủ doanh nghiệp cần phải lưu giữ các văn bản tài liệu phát sinh trong quá trình kinh doanh, sản xuất như hợp đồng ký với đối tác và các chứng từ liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc với khách hàng và đối tác khác nhằm theo dõi và thực hiện hợp đồng, đồng thời là chứng cứ có thể cung cấp cho Tòa án và các bên có liên quan nhằm giải quyết tranh chấp phát sinh.
2. Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp
Những vấn đề pháp lý cơ bản: Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định rất cụ thể quyền của doanh nghiệp tại Điều 7 và nghĩa vụ của doanh nghiệp tại Điều 8. Vì vậy, khi nắm vững được quyền và nghĩa vụ của mình thì chủ doanh nghiệp sẽ có thể thoát khỏi tâm lý lo sợ mà mạnh dạn và chủ động hơn trong việc điều hành kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu chủ doanh nghiệp chủ quan, lơ là và không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, thì hậu quả về lâu dài mà doanh nghiệp có thể phải nhận là bị thanh tra, kiểm tra, bị xử phạt hành chính, buộc phải khắc phục vi phạm, bị khách hàng/đối tác tẩy chay sản phẩm, dịch vụ, bị kiện tụng, bị mất uy tín, đặc biệt hơn nữa có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ví dụ như tội trốn thuế (Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015), tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015).
3. Quản lý dòng tiền của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Dòng tiền của doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp, theo đó dòng tiền gồm có dòng tiền vào (do góp vốn, nhận tiền thanh toán, khai thác hoa lợi từ tài sản,…) và dòng tiền ra (chi phí duy trì doanh nghiệp, chi trả lương, thanh toán cho đối tác, rút vốn,…). Theo đó, dòng tiền vào hoặc ra đều thông qua hai nơi là quỹ tiền mặt và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp cần phải có kiến thức kết hợp giữa kiến thức vấn đề pháp lý cơ bản và kiến thức tài chính, kế toán cơ bản để có thể quản lý tốt dòng tiền.
Theo đó, để quản lý tốt dòng tiền theo quy định của pháp luật, chủ doanh nghiệp phải nắm được mấy vấn đề sau:
- Phải minh bạch dòng tiền chi tiêu của doanh nghiệp;
- Bất kỳ khoản tiền nào vào và ra khỏi doanh nghiệp đều phải có lý do hợp pháp, có đủ hóa đơn, chứng từ và phải hạch toán đúng theo sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật;
- Khi thanh toán, nếu số tiền thanh toán từng lần từ 20.000.000 đồng trở lên thì phải thanh toán không dùng tiền mặt và phải có hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng thì mới hợp lệ.
4. Nắm được kiến thức các vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh
Việc tiếp cận và ký kết hợp đồng đối với chủ doanh nghiệp là một công việc rất thường xuyên, chiếm khá nhiều thời gian và gồm nhiều công đoạn như việc soạn thảo, đàm phán, sửa đổi, ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Vì vậy, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải có kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng nói chung và hợp đồng về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó nói riêng thì mới hạn chế được rủi ro trong kinh doanh.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất nhiều loại hợp đồng khác nhau và mỗi loại hợp đồng khác nhau thì luật điều chỉnh cũng khác nhau, tương ứng với mỗi loại hình kinh doanh khác nhau. Do đó, chủ doanh nghiệp cần tự mình nắm vững các kiến thức về vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng hoặc có thể đào tạo bộ phận pháp lý trong doanh nghiệp nhằm tránh tối đa các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng với các bên đối tác trong kinh doanh, sản xuất.
Ví dụ, đối với 02 loại hợp đồng được sử dụng thông dụng nhất hiện nay là hợp đồng mua bán và hợp đồng dịch vụ, chủ doanh nghiệp cần phân biệt rõ nội dung và tính chất của hai loại hợp đồng này để khi xảy ra tranh chấp liên quan thì có thể vận dụng để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro pháp lý tiềm ẩn.
Trên đây là những thông tin pháp lý về những vấn đề pháp lý cơ bản mà chủ doanh nghiệp cần lưu ý. Trường hợp cần thêm thông tin chi tiết hoặc cần các thông tin khác như: Đào tạo pháp lý doanh nghiệp, đào tạo pháp lý công ty, đào tạo pháp lý chuyên sâu, huấn luyện pháp luật, đào tạo pháp chế doanh nghiệp, vấn đề pháp lý cơ bản cho doanh nghiệp… bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời.