Đình công là một trong những cách thức hợp pháp để người lao động có thể sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì không nắm rõ quy định của pháp luật, khi tranh chấp với người sử dụng lao động, đôi khi vì quá bức xúc người lao động thực hiện đình công một cách tự phát không tuân thủ theo quy định của pháp luật và dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Do vậy, trong bài viết này, Lac Duy & Associates sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc quy định của pháp luật hiện hành về đình công, trường hợp người lao động có quyền đình công và trình tự tiến hành của nó.
1. Đình công là gì?
Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động 2019:“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”
Như vậy, có thể hiểu đình công bao gồm 04 yếu tố sau:
- Sự ngưng việc mang tính tạm thời;
- Trên cơ sở tự nguyện và có tổ chức của người lao động;
- Nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
- Do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
2. Trường hợp người lao động có quyền đình công
Điều 199 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các trường hợp người lao động có quyền đình công như sau:
- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải là 05 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Hai bên không đồng ý với kết quả của Hòa giải viên, tranh chấp gửi cho Ban trọng tài lao động. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
3. Trình tự tiến hành đình công
Điều 200 Bộ luật Lao động 2019 quy định trình tự như sau:
Bước 1: Lấy ý kiến tập thể lao động[1]
Đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động.
Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công; Phương án của Ban chấp hành công đoàn về thời điểm bắt đầu đình công và địa điểm, phạm vi tiến hành, yêu cầu của tập thể lao động.
Thời gian, hình thức lấy ý kiến (bằng phiếu hoặc chữ ký) do Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày.
Bước 2: Ra quyết định đình công[2]
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.
Quyết định phải có các nội dung sau đây:
- Kết quả lấy ý kiến;
- Thời điểm bắt đầu, địa điểm;
- Phạm vi tiến hành;
- Yêu cầu của tập thể lao động;
- Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.
Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.
Bước 3: Tiến hành đình công[3]
Đến thời điểm bắt đầu, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo.
Trên đây là những quy định của pháp luật hiện hành về đình công và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện đình công. Trường hợp cần thông tin chi tiết hoặc các thông tin khác trong lĩnh vực liên quan, bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
[1] Điều 201 Bộ luật lao động 2019
[2] Điều 202.1, 202.2, 202.3 Bộ luật lao động 2019
[3] Điều 202.4 Bộ luật lao động 2019