Site icon Lac Duy Associates Law Firm

Khái Niệm Và Phân Loại Tranh Chấp Lao Động

tranh-chap-lao-dong-ca-nhan

Trong nền kinh tế thị trường, tranh chấp giữa người lao động và chủ lao động là không thể tránh khỏi. Chủ lao động luôn đặt lợi nhuận làm ưu tiên, cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt, điều này vô tình hay cố ý dẫn đến việc quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng.Từ đó dẫn đến nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể, đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Lac Duy & Associates xin gửi đến bài viết phân tích những kiến thức nền tảng về tranh chấp lao động cho quý khách hàng.

Định nghĩa tranh chấp lao động

Theo Điều 3 khoản 7 Bộ luật Lao động năm 2012: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.”

Đặc điểm của tranh chấp lao động

Dựa trên khái niệm về tranh chấp lao động, chúng ta có thể rút ra một vài đặc điểm cơ bản của tranh chấp lao động như sau:

Tranh chấp lao động gắn liền với quan hệ lao động

Mối quan hệ này thể hiện ở hai điểm cơ bản: Các bên tranh chấp bao giờ cũng là chủ thể của quan hệ lao động và đối tượng tranh chấp chính là nội dung của quan hệ lao động đó. Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động, có nhiều lý do để các bên không thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã được thống nhất ban đầu.

Ví dụ , một trong hai bên chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình , hoặc điều kiện thực hiện hợp đồng, thoả ước đã thay đổi làm cho những quyền và nghĩa vụ đã xác định không còn phù hợp. Hoặc cũng có thể do trình độ xây dựng hợp đồng và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến các bên không hiểu đúng các qui định, các thoả thuận trong hợp đồng …

Tranh chấp lao động không chỉ bao gồm các tranh chấp về quyền mà còn các tranh chấp về lợi ích

Đối với các tranh chấp khác, thông thường xảy ra khi có sự vi phạm về pháp luật. Tuy nhiên, tranh chấp lao động có thể xảy ra ngay cả khi không có hành vi vi phạm pháp luật.

Bản chất của tranh chấp một phần do sự tác động của quan hệ lao động và sự thay đổi cơ chế thị trường. Để phát sinh được quan hệ lao động bất kỳ là quá trình thỏa thuận, thương lượng giữa các bên.

Tuy nhiên, chính các thỏa thuận đã đạt được, đến một thời gian nào đó không thực hiện được hoặc trở nên không phù hợp nữa. Tổng hợp tất cả các yếu tố lại với nhau thì việc xảy ra tranh chấp lại càng trở nên tất yếu khi quyền, lợi ích của cả hai bên đều bị ảnh hưởng.

Tính chất, mức độ của tranh chấp lao động phụ thuộc vào số lượng, quy mô của người tham gia

Tranh chấp lao động có thể xuất phát từ mâu thuẫn của một cá nhân gọi là tranh chấp cá nhân. Ở loại tranh chấp này, mức độ gây thiệt hại không cao, có thể giải quyết được, không quá phức tạp.

Ở quy mô rộng hơn với sự tham gia của đông đảo người lao động hơn là tranh chấp lao động tập thể. Mức độ phức tạp của tranh chấp được nâng lên. Khi đó không chỉ là một cá nhân, một người lao động nữa mà là cả một tập thể.

Việc giải quyết tranh chấp như thế nào cho ổn thỏa trở nên vô cùng quan trọng. Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà ngay cả người sử dụng lao động cũng bị ảnh hưởng.

Phân loại tranh chấp lao động

Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Tiêu chí so sánhTranh chấp lao động cá nhânTranh chấp lao động tập thể
Chủ thể tranh chấpCá nhân lao động (hoặc một nhóm người lao động) với người sử dụng lao độngNhiều người lao động (hoặc tất cả người lao động) với người sử dụng lao động
Nội dung tranh chấpĐòi quyền và lợi ích cho bản thân mình Thông thường, các tranh chấp lao động cá nhân thường là tranh chấp về hợp đồng lao độngĐòi quyền và lợi ích gắn liền với tâp thể lao động Thông thường các tranh chấp này thường là tranh chấp liên quan đến thỏa ước lao động tập thể
Tính chất tranh chấpTranh chấp lao động cá nhân mang Tính chất đơn lẻ, cá nhân Thông thường chỉ là tranh chấp giữa một cá nhân NLĐ với chủ sử dụng lao độngTính liên kết tập thể giữa những người lao động tham gia tranh chấp. Họ có chung mục đích đòi quyền và lợi ích cho tập thể lao động, giữa họ phải có sự tổ chức, bàn bạc, thống nhất với nhau
Đại diện công đoànThông thường Công đoàn không tham gia và tranh chấp, nếu có thì với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao độngTrong tranh chấp lao động tập thể, Công đoàn tham gia vào tranh chấp với tư cách là một bên chủ thể của tranh chấp
Ví dụTranh chấp giữa anh A với Công ty B về tiền thưởngTranh chấp giữa bộ phận văn phòng với công ty chủ quản về thời giờ làm việc

Trên đây là ý kiến của Lac Duy & Associates về các loại tranh chấp lao động. Trường hợp, cần hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề: Đào tạo pháp lý doanh nghiệp, đào tạo pháp chế, phương pháp đào tạo pháp lý, hoặc giải quyết tranh chấp công ty, tranh chấp lao động, tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tranh chấp kỷ luật lao động, tiền lương, bảo hiểm, tranh chấp điều chuyển công tác, tranh chấp về việc cách chức… bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Những Lưu Ý Khi Sa Thải Để Tránh Xảy Ra Tranh Chấp Lao Động

Rate this post
Exit mobile version