1. Khái niệm hợp đồng dân sự
Hợp đồng dân sự là một dạng của giao dịch dân sự và bên dưới là những điểm cần lưu ý về hợp đồng dân sự cần được tham khảo. Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”.
2. Các vấn đề cần lưu ý về hợp đồng dân sự
Thuật ngữ hợp đồng dân sự còn được hiểu là quan hệ dân sự phát sinh từ hợp đồng dân sự hay văn bản trong đó chứa đựng các yếu tố và điều khoản của hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự là một trong các căn cứ hợp pháp, phổ biến, thông dụng làm phát sinh các hậu quả pháp lý với các đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, khi tiến hành soạn thảo, ký kết cần phải lưu ý các vấn đề sau:
- Về chủ thể tham gia giao kết: Chủ thể là pháp nhân phải có đầy đủ tư cách pháp nhân, được quyền tham gia ký kết các giao dịch dân sự. Chủ thể là cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và các bên phải tự nguyện tham gia giao dịch dân sự đó.
- Về hình thức của hợp đồng dân sự: Tùy mỗi hợp đồng cụ thể mà pháp luật quy định điều kiện bắt buộc cho hình thức của hợp đồng. Đối với hợp đồng pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trường hợp, có quy định phải đăng ký hoặc công chứng, chứng thực thì bắt buộc phải thực hiện theo quy định này. Do đó, các chủ thể cần nắm rõ quy định pháp luật để tuân thủ đúng về hình thức, tránh việc hợp đồng vô hiệu chỉ vì không tuân thủ quy định về hình thức.
- Về điều kiện có hiệu lực : Ngoài việc các bên phải tự nguyện, bình đẳng tham gia giao dịch dân sự như đã đề cập ở trên, thì các thỏa thuận trong hợp đồng dân sự phải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hàng hóa trong giao dịch phải không thuộc các trường hợp bị cấm.
- Về quyền và nghĩa vụ của các bên: Đây là thỏa thuận quan trọng mà các bên cần quy định chi tiết trong hợp đồng dân sự. Theo đó, sau khi giao kết hợp đồng, các bên căn cứ theo thỏa thuận này để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản trong một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thỏa thuận thêm phù hợp với thực tế và nhu cầu của các bên nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Về phương thức thanh toán và giá cả cũng phải được quy định rõ. Vì đây là trường hợp thường xuyên xảy ra tranh chấp.
- Về giải thích hợp đồng: Đối với một số loại hợp đồng dân sự đặc biệt, sẽ có các thuật ngữ chuyên ngành hoặc thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn. Do đó, các bên tham gia giao dịch cần phải có sự giải thích rõ ràng. Việc giải thích này tốt nhất nên lập thành văn bản để có căn cứ giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
- Về điều khoản “Phạt vi phạm hợp đồng”: Đây là điều khoản quan trọng để ràng buộc các bên thực hiện đúng thỏa thuận. Trong trường hợp một bên vi phạm thì buộc phải thực hiện đúng thỏa thuận về phạt vi phạm để bảo vệ cho bên còn lại. Do đó, điều khoản này cần được xây dựng chi tiết và chặt chẽ. Lưu ý, việc phạt vi phạm phải trong giới hạn mà pháp luật quy định đối với mỗi loại giao dịch cụ thể.
- Về điều khoản giải quyết tranh chấp: Khi giao kết hợp đồng, các chủ thể thường không chú trọng đến vấn đề này. Tuy nhiên, có rất nhiều phương án đề giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, khởi kiện… Các bên cần quy định rõ những điều kiện cần thiết đểnào tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trường hợp, các bên lựa chọn pháp luật và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì khi có tranh chấp xảy ra sẽ ưu tiên thỏa thuận này.
- Ngoài ra, Văn bản pháp lý quy định về hợp đồng là yếu tố rất quan trọng khi ký kết hợp đồng, việc ký hợp đồng phải dựa trên một hay nhiều văn bản pháp luật để sau khi có tranh chấp phát sinh thì văn bản pháp luật đó là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng và giải quyết các tranh chấp đó.
Lac Duy & Associates có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn soạn thảo, tư vấn các vấn đề liên quan đến giao kết và giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Nếu có bất cứ thắc mắc gì cần tư vấn, hỗ trợ, bạn đọc có thể liên hệ ngay đến Lac Duy & Associates để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.
Tìm hiểu về tranh chấp dân sự tại đây