Thị trường là một miếng bánh béo bở mà các doanh nghiệp cạnh tranh để chiếm lấy cho mình càng nhiều thị phần càng tốt. Mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động luôn có những thông tin cần bảo mật, đó có thể là danh sách khách hàng, công thức, bí quyết hay dây chuyền sản xuất riêng thế nên không làm việc cho đối thủ cạnh tranh.
Chính những thông tin này là vũ khí để doanh nghiệp chiếm lĩnh và giành lợi thế trước các đối thủ. Vì sự quan trọng đó, doanh nghiệp cần tìm cách để bảo đảm các thông tin này không bị bộc lộ ra ngoài, nhất là với các đối thủ cạnh tranh. Một trong những cách mà doanh nghiệp áp dụng là ký kết “Thoả thuận không cạnh tranh” (không làm việc cho đối thủ cạnh tranh) giữa người sử dụng lao động và người lao động để tránh việc xảy ra tranh chấp lao động sau này.
1.“Thoả thuận không cạnh tranh” là gì?
“Thoả thuận không cạnh tranh” (Non – Competition Agreement, gọi tắt là NCA) là thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động mà theo đó, người lao động sau khi nghỉ việc không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp trước.
Thông thường, thoả thuận này không nằm độc lập mà được lồng ghép vào “Thoả thuận bảo mật và không cạnh tranh” (Non – Disclosure and Non – Competition Agreement, gọi tắt là NDA). Thoả thuận này được thực hiện nhằm phòng ngừa rủi ro rò rỉ thông tin cần bảo mật của doạnh nghiệp ra ngoài, đặc biệt là phòng trường hợp để đối thủ cạnh tranh tiếp cận được.
2.Tại sao cần thoả thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh?
Trong quá trình làm việc, người lao động, nhất là các nhân sự cấp cao thường được tiếp cận đến các thông tin mang tính bảo mật của doanh nghiệp như bí quyết sản xuất, thông tin khách hàng, chiến lược kinh doanh…
Với những thông tin mật đang nắm giữ đó, đối thủ cạnh tranh không màng đưa ra những lời mời hấp dẫn nhằm tìm cách lôi kéo người lao động về phía mình để giành được những lợi thế nhất định, đánh bại đối phương và chiếm lấy thị phần. Điều này chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, nếu không muốn nói đó hoàn toàn có thể là một cú giáng đánh bật doanh nghiệp ra khỏi thị trường.
Chính vì lý do này, doanh nghiệp khi tuyển dụng thường yêu cầu người lao động ký kết NDA(không làm việc cho đối thủ cạnh tranh). Thông qua thoả thuận NDA, người lao động bị ràng buộc nghĩa vụ không chỉ trong quá trình làm việc mà còn cả sau khi đã nghỉ việc. Cụ thể, người này được yêu cầu không tiết lộ thông tin mật của doanh nghiệp trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp và sau khi nghỉ việc cũng không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh.
Tuy rằng thực tiễn có cơ sở để doanh nghiệp yêu cầu người lao động ký kết NDA, nhưng giá trị pháp lý của thoả thuận này vẫn còn là một vấn đề chưa rõ ràng và đón nhận nhiều luồng quan điểm khác nhau. NDA có là một thoả thuận xâm phạm đến quyền tự do làm việc, lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc của người lao động vốn được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật Việt Nam bảo vệ hay không?
Nên coi tranh chấp liên quan đến NDA là tranh chấp thuộc quan hệ lao động, dân sự hay thương mại? Giữa việc một bên là sự an toàn thông tin của doanh nghiệp, một bên là quyền tự do làm việc của người lao động, pháp luật cần suy xét như thế nào? Có lẽ rằng đã đến lúc các nhà làm luật cần nghiên cứu chuyên sâu và đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng để giải quyết vấn đề gây tranh cãi này.