Tranh chấp hợp đồng thương mại được hiểu là những tranh chấp phát sinh do việc một hoặc nhiều bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thỏa thuận và cam kết được ghi nhận tại hợp đồng trong quá trình hoạt động thương mại.
Bài viết sau đây, Lac Duy & Associates sẽ giúp bạn đọc lưu ý một số vấn đề khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực này.
Các yếu tố cơ bản của tranh chấp hợp đồng thương mại
- Có quan hệ hợp đồng thương mại tồn tại giữa các bên;
- Có hành vi vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của một bên trong quan hệ đó;
- Có sự bất đồng ý kiến của các bên về hành vi vi phạm hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ hành vi vi phạm;
- Tranh chấp hợp đồng thương mại thường hình thành từ hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không phải hành vi vi phạm nào cũng dẫn đến tranh chấp hợp đồng.
Cần lưu ý những vấn đề sau đây về tranh chấp thương mại:
Thứ nhất, các bên là chủ thể có quyền cao nhất để tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp
(trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước).
Vậy nên, tùy theo các vụ việc chính các chủ thể có thể tự quyết định các phương thức giải quyết tranh chấp sau:
- Thương lượng: Là hình thức giải quyết tranh chấp không cần có sự can thiệp của bên thứ ba. Luật sư có thể tham gia với vai trò tư vấn cho các bên về chiến lược, mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu trong đàm phán. Từ đó các bên có thể tự gặp gỡ và thỏa thuận, trao đổi giải quyết các vấn đề bất đồng.
- Hòa giải: Là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột một cách ổn thỏa. Điểm khác cơ bản giữa thương lượng và hòa giải là trong hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba với tư cách người trung gian đứng ra dàn xếp việc giải quyết xung đột giữa các bên.
- Tổ chức tài phán: Khi thương lượng và hòa giải không có kết quả, các bên có thể tiến hành khởi kiện vụ việc ra một cơ quán có thẩm quyền để giải quyết. Hiện nay, ở Việt Nam có hai cơ quan chủ yếu thường xuyên thụ lý và giải quyết các tranh chấp về thương mại là:
+ Trọng tài:
Là phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại, được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài. Theo Khoản 5 Điều 61 của Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết của trọng tài sẽ có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên có sự thỏa thuận rõ ràng và cụ thể về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết. Nếu không, mặc nhiên các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bởi tòa án có thẩm quyền.
+ Tòa án:
Là cơ quan tư pháp của nhà nước Việt Nam có chức năng xét xử. Theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại, bao gồm cả tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại.
Khác với cơ chế giải quyết bằng trọng tài, theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một vụ án được giải quyết tại tòa án sẽ phải trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, bản án hoặc quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất phức tạp của tranh chấp thương mại mà các bên có thể chủ động cân nhắc những phương án nói trên để phù hợp với hoàn cảnh thực tế nhằm đạt được hiệu quả một cách nhanh nhất.
Thứ hai, tranh chấp hợp đồng thương mại luôn gắn liền với lợi ích của các bên.
Đây là hai phạm trù không thể tách rời bởi lẽ tranh chấp thương mại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Nguyên nhân chủ quan như chiến lược và mục tiêu kinh doanh của các bên thay đổi, sự mất cân bằng về tài chính của doanh nghiệp,…
- Các nguyên nhân khách quan như sự biến động của thị trường, sự kiện bất khả kháng, tác động của sự thay đổi chính sách pháp luật,…
Từ đó dẫn đến kết quả là quá trình thực hiện hợp đồng thương mại không thể đạt được mục đích cuối cùng như mong muốn của các bên. Điều này làm nảy sinh các xung đột về lợi ích và tiềm ẩn khả năng trở thành tranh chấp thương mại nếu không được kịp thời giải quyết.
Thứ ba, cơ quan và địa điểm giải quyết tranh chấp là một trong những vấn đề mà các bên cần cân nhắc.
Trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên tham gia sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Do đó, trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể, việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp luôn là vấn đề gây ra tranh cãi. Bởi lẽ, các bên khó có thể am hiểu được pháp luật của một quốc gia khác để tự bảo vệ cho quyền lợi của mình trước bên còn lại.
Hiện nay pháp luật quốc tế cũng đã phát triển hơn. Hệ thống các điều ước quốc tế song phương và đa phương giải quyết phần nào các quan hệ thương mại mang tính chất đa quốc gia. Song, pháp luật quốc tế nhìn chung cũng chỉ điều chỉnh những vấn đề chung nhất, không thể điều chỉnh cặn kẽ mọi khía cạnh pháp lý của từng hợp đồng thương mại cụ thể.
Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại
theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về hợp đồng thương mại là 2 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm.
Do đó, khi phát sinh tranh chấp, các bên cần lưu tâm đến vấn đề thời hiệu để kịp thời tiến hành khởi kiện vụ án ra các cơ quan tài phán, tránh trường hợp để kéo dài thời gian dẫn đến mất quyền khởi kiện. Trường hợp, cần thêm thông tin về các loại hợp đông thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng mua bán cổ phần… bạn đọc có thể liên hệ Lac Duy & Associates để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm