Công ty con phá sản:
Cho phá sản một công ty con hoạt động yếu kém và lâm vào tình trạng không còn khả năng thanh toán nợ là điều bình thường và nên khuyến khích để làm lành mạnh môi trường kinh doanh khiến công ty con phá sản.
Dù vậy, bỏ qua việc các trường hợp công ty con chỉ là bình phong che đậy cho hoạt động kinh doanh không minh bạch hay vi phạm pháp luật của công ty mẹ, không thể phủ nhận việc phá sản một doanh nghiệp luôn để lại những mất mát đối với tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là các chủ nợ, những người hầu như ở thế bị động do thiếu thông tin về việc mất khả năng tài chính của con nợ cho đến khi đơn yêu cầu phá sản được nộp lên tòa án.
Không cam lòng, nhiều chủ nợ là nạn nhân của các công ty bị phá sản cho rằng với vị trí, vai trò của mình, công ty mẹ của các công ty bị phá sản không thể đơn giản là rũ bỏ trách nhiệm “con dại cái mang”. Thay vào đó, dù muốn hay không, họ cũng phải gánh trách nhiệm liên đới về các khoản nợ của công ty con.
Từ “trách nhiệm hữu hạn”
Không thể phủ nhận, một khi được thành lập, “tư cách pháp nhân” và “trách nhiệm hữu hạn” là đặc điểm pháp lý nổi bật nhất của một công ty nói chung và một công ty con nói riêng.
Khi đó, theo quy định của pháp luật dân sự, tài sản cũng như quyền và nghĩa vụ pháp lý của công ty được thành lập sẽ độc lập và tách biệt với các nhà đầu tư sở hữu hoặc đồng sở hữu mình, ở đây là công ty mẹ.
Khi đó, trong quan hệ làm ăn với bên thứ ba, công ty con nhân danh chính mình để thực hiện các giao dịch và chịu trách nhiệm bằng tài sản đứng tên mình.
Đồng thời, pháp luật doanh nghiệp cũng xác định trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con là “trách nhiệm hữu hạn”. Luật không buộc các chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của công ty được thành lập ngoài phạm vi số vốn đã góp hay cam kết góp được thể hiện tại điều lệ của các công ty con này.
Như vậy, có thể hiểu rằng, chỉ cần rót đủ vốn như đã cam kết vào công ty con, công ty mẹ có thể yên tâm là mình sẽ không phải móc thêm hầu bao để thanh toán bất kỳ khoản nợ nào phát sinh từ các hoạt động của công ty con khi nó nhân danh chính nó. Thậm chí, bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào của công ty con sẽ không đương nhiên làm phát sinh các trách nhiệm pháp lý đối với công ty mẹ.
Đến việc “bức màn che công ty” bị lạm dụng
Không chỉ Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới cũng thừa nhận rằng công ty mẹ và công ty con là những pháp nhân độc lập về tài sản và tư cách pháp lý. Một cách hình tượng, pháp luật xem hai chủ thể này tồn tại một “bức màn” pháp lý, gọi là “bức màn che công ty” (the corporate veil).
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng “bức màn che công ty” này không bị các bên lạm dụng trong quá trình hoạt động. Cụ thể, công ty mẹ có thể không thật sự đối xử với công ty con như một chủ thể độc lập mà là một chủ thể bị chi phối.
Đồng thời, công ty con cũng không chủ động giữ mình ở vị trí một chủ thể độc lập. Có nghĩa là có sự trộn lẫn, nhập nhằng trong hoạt động kinh doanh hay can thiệp vào hoạt động của công ty con bằng các mệnh lệnh có tính chất hành chính và phi thị trường.
Đối với bên thứ ba, để thuyết phục khách hàng hợp tác, giao dịch với công ty con, công ty mẹ và công ty con đôi khi sẵn sàng gây nên sự nhầm lẫn, mập mờ về tư cách pháp lý và tiềm lực thực tế của công ty con, rằng doanh nghiệp này có “tầm vóc” hay chính là “hiện thân” của công ty mẹ, rằng hai công ty “tuy hai mà một”.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hoạt động của các công ty con có được độc lập hay độc lập tới mức độ nào dường như phụ thuộc vào ý chí của công ty mẹ và những người quản lý của công ty mẹ.
Với tư cách là người nắm giữ từ hơn 50-100% vốn chủ sở hữu, công ty mẹ gần như nắm toàn quyền trong việc quyết định những vấn đề quan trọng can hệ trực tiếp tới vận mệnh công ty con, từ việc bổ nhiệm những chức danh chủ chốt đến việc quyết định chi tiết đường hướng hoạt động.
Từ đó, không khó để nhận thấy rằng nếu muốn, những người quản lý của công ty mẹ hoàn toàn có thể đưa ra những mệnh lệnh hay chỉ đạo trực tiếp lẫn gián tiếp và có giá trị “không thể không thi hành” đối với công ty con và người quản lý của nó, dù điều này có thể vượt qua giới hạn pháp luật cho phép một thành viên góp vốn hay cổ đông có thể thực hiện đối với doanh nghiệp được rót vốn.
Ngoài ra, một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là nhiều công ty con được thành lập chỉ nhằm mục đích thực hiện một dự án cụ thể của công ty mẹ hay phục vụ như một mắt xích trong chuỗi cung ứng của công ty mẹ, tức là có mối quan hệ “làm ăn” trực tiếp với công ty mẹ.
Trong trường hợp này, người ta có thể hình dung mọi hoạt động của công ty con và người quản lý của nó đều có thể phải nhận chỉ thị trực tiếp và bị kiểm soát từ công ty mẹ.
Thậm chí, phía sau cánh cửa, có thể những người quản lý của công ty mẹ cũng kiêm luôn việc quản lý các hoạt động hàng ngày của công ty con. Khi đó, người quản lý của công ty con, nếu là một người khác, có thể chỉ làm công việc… ký hợp thức hóa các giấy tờ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Việc một công ty mẹ có vốn ngàn tỉ đồng thành lập một công ty con có vốn điều lệ chỉ… vài triệu đồng khiến người ta không khỏi tự hỏi về tính độc lập của hai doanh nghiệp nằm ở đâu.
Với số vốn điều lệ ít ỏi đó thì công ty con sẽ lấy tiền ở đâu để trả lương cho quản lý, nhân viên và duy trì các hoạt động tối thiểu nếu như không dựa hoàn toàn vào sự “chu cấp” từ công ty mẹ dưới các hình thức khác nhau? Trong khi đó, công ty con hoàn toàn vẫn có thể là một bên pháp nhân đứng tên trên các hợp đồng nhiều tỉ đồng với khách hàng hẳn hoi.
Khi làm ăn thuận lợi thì lợi ích sẽ chảy về công ty mẹ. Thế nhưng, khi “có biến” ở công ty con thì cũng là lúc người ta có thể viện vào “bức màn che công ty” để công ty mẹ tránh chịu trách nhiệm liên đới. Người thiệt hại lớn nhất là các khách hàng, chủ nợ, một bên trong mối quan hệ với công ty con nhưng lại bị “mê hoặc” bởi mối quan hệ “mẹ-con” giữa hai pháp nhân.
Điều đáng nói là những chỉ đạo hay sự can thiệp trái pháp luật của công ty mẹ, nếu có, đa phần là “ẩn số” đối với các chủ nợ, vốn là những “người ngoài”.
Chỉ đến khi được thông báo có đơn yêu cầu phá sản đối với con nợ là công ty con thì họ mới biết được nguy cơ mất tiền đã chính thức hiện hữu. Bên cạnh đó, nếu không nắm trong tay một bằng chứng rõ ràng nào đó, chủ nợ khó có khả năng yêu cầu truy ngược nguyên nhân phá sản của con nợ để xác định có hay không có “ sự đóng góp” từ sự can thiệp trái pháp luật của công ty mẹ.
Chủ nợ “bắt đền” công ty mẹ được không?
Trước hết, phải thừa nhận rằng việc “bắt đền” công ty mẹ khi công ty con bị phá sản là một việc không hề dễ dàng bởi dù thế nào, nguyên tắc “công ty là một pháp nhân” và phải chịu trách nhiệm đến cùng với những khoản nợ của nó bằng chính tài sản đứng tên nó luôn được pháp luật tôn trọng.
Tuy vậy, một khi chứng minh được có sự can thiệp trái pháp luật từ công ty mẹ làm mất tính độc lập của công ty con, “góp phần” vào việc phá sản của nó thì câu chuyện sẽ có thể trở nên khác đi.
Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (Common Law) và kể cả một số nước phương Tây theo hệ thống pháp luật thành văn như Pháp, Đức từ lâu đã giới thiệu những cơ chế để buộc công ty mẹ hay các chủ sở hữu khác của công ty con phải chịu trách nhiệm liên đới với những khoản nợ của nó một khi có sự lợi dụng công ty con, khiến nó không còn là nó như một chủ thể độc lập.
Cơ chế này tạm gọi là “xuyên qua bức màn che công ty” (Piercing the corporate veil). Theo đó, việc áp dụng cơ chế này sẽ vô hiệu hóa một phần các quy tắc trong đó giới hạn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong phạm vi vốn góp để buộc họ phải chịu trách nhiệm liên đới nhiều hơn về các khoản nợ phát sinh ở doanh nghiệp được góp vốn.
Ở Việt Nam, cơ chế cho các chủ nợ yêu cầu truy cứu trách nhiệm của công ty mẹ trong trường hợp phá sản công ty con chủ yếu dựa vào điều 190 Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN 2014).
Theo điều luật này, việc can thiệp ngoài thẩm quyền của công ty mẹ với tư cách một chủ sở hữu hay đồng sở hữu công ty con mà gây thiệt hại cho công ty con là cơ sở cho nghĩa vụ bồi thường của công ty mẹ và người quản lý công ty mẹ (với tư cách cá nhân) cho công ty con.
Đồng thời, khoản 5 điều 190 LDN 2014 chỉ rõ chủ nợ có quyền nhân danh chính mình để thực hiện việc đòi bồi thường này.
Tuy nhiên, để có thể yêu cầu việc bồi thường, chủ nợ cần chứng minh có sự can thiệp trái pháp luật từ công ty mẹ và phải có thiệt hại cụ thể xảy ra cho công ty con. Điều này, như đề cập ở trên, là rất khó khăn, bởi đơn giản các chủ nợ là “người ngoài”, họ không biết được sau “bức màn che”, công ty mẹ và những người quản lý của công ty mẹ đã làm những gì trái pháp luật và gây tổn hại thế nào cho công ty con.
Trong khi đó, việc truy ngược lại quá trình thực hiện vai trò chủ sở hữu, đồng sở hữu của công ty mẹ chỉ nhằm để xác định họ có vi phạm gì không hay gây thiệt hại cho công ty con ra sao là vấn đề nan giải của chủ nợ cũng như của cơ quan có thẩm quyền giải quyết phá sản công ty con.
Ngoài ra, cũng được quy định tại khoản 5 điều 190 LDN 2014, việc bồi thường này là bồi thường cho… công ty con, không phải cho chủ nợ.
Như vậy, cùng với việc đứng ở vị trí thấp nhất trong danh sách nhận được những khoản tiền thanh lý tài sản còn lại của con nợ bị phá sản, dù có bằng chứng về việc vi phạm của công ty mẹ của nó, việc có sử dụng quyền khởi kiện của mình hay không cũng là một bài toán kinh tế (thời gian, công sức và tiền bạc) mà các chủ nợ không thể không tính tới.
Tóm lại, về mặt nguyên tắc, mặc dù quy định của pháp luật hiện hành có quy định về việc bảo vệ chủ nợ trước sự lạm quyền của công ty mẹ đối với công ty con, nhưng trong thực tế, việc áp dụng các quy định này một khi công ty con bị phá sản, như phân tích ở trên, là khó có tính khả thi.
Trong khi đó, việc cho phá sản công ty đang ngày càng phổ biến và trở nên bình thường ở Việt Nam, đồng thời tính độc lập giữa công ty mẹ và công ty con vẫn luôn là một dấu chấm hỏi.
Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và qua đó làm trong sạch môi trường kinh doanh trở thành đòi hỏi cấp bách và cần được đặt ở thứ tự ưu tiên cao hơn trong lộ trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.